Đăng kiểm

Vì sao không giãn chu kỳ kiểm định cho xe kinh doanh vận tải?

10/06/2023, 08:36

Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét giãn chu kỳ kiểm định đối với xe kinh doanh vận tải nếu hệ số an toàn đáp ứng.

Tỷ lệ xe kinh doanh vận tải đạt ngay lần kiểm định đầu rất thấp

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT xem xét cho phép sử dụng phiếu hẹn đăng kiểm để làm cơ sở được lưu hành tạm thời trên đường; Giãn chu kỳ kiểm định đối với xe kinh doanh vận tải nếu hệ số an toàn vẫn có thể đáp ứng, nhằm hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải, tháo gỡ phần nào tình trạng ùn tắc đăng kiểm hiện nay.

img

Bộ GTVT đề nghị Cục Đăng kiểm VN và các đơn vị liên quan cho ý kiến về những kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM liên quan đến kiểm định xe kinh doanh vận tải

Hiệp hội cũng kiến nghị xem xét, nghiên cứu về việc chia chu kỳ kiểm định dựa trên mốc km xe đã chạy, tránh trường hợp xe không hoạt động nằm bãi nhưng đến chu kỳ xe vẫn phải đi kiểm định; Đánh giá lại đối với danh sách các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng thật sự ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của xe.

Hiệp hội này cũng kiến nghị nhiều vấn đề khác liên quan để việc sử dụng lốp xe có thông số tương đương; Khi kiểm định xe chở hàng đông lạnh không phải tháo máy phát điện hay xthùng chứa các loại đồ nghề như: dây xích, trụ sắt, dây buộc...

Được biết, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm VN và các cơ quan liên quan xem xét các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Cục Đăng kiểm VN cho biết chậm nhất ngày 15/6 sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT về các kiến nghị này.

img

Tại các TTĐK, lượng xe cá nhân có nhu cầu kiểm định giảm rõ rệt, từ đó giúp các xe kinh doanh vận tải được kiểm định sớm hơn

Cần phải nhắc lại rằng về lý do không lựa chọn giãn chu kỳ kiểm định cho xe kinh doanh vận tải, Cục Đăng kiểm VN từng cho biết, phương tiện này có cường độ sử dụng nhiều, 1 phương tiện có thể do nhiều người sử dụng nên chế độ bảo dưỡng, chăm sóc, bảo quản chưa được tốt.

Thực tế, theo thống kê số liệu kiểm định, tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất đối với nhóm phương tiện này là rất thấp (thời điểm thấp nhất là 67,6%).

Với tiêu chí lấy an toàn, sinh mạng của người dân lên trên hết, Cục Đăng kiểm đã hết sức thận trọng trong việc lựa chọn giải pháp khi thực hiện, chính vì vậy đã thống nhất giải pháp cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải tại Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.

Theo các chuyên gia, quy định này là phù hợp với các xe cá nhân có tỷ lệ đạt kiểm định ngay từ lần đầu cao (khoảng 95%), chủ xe quan tâm bảo dưỡng và cường độ sử dụng thấp hơn so với xe kinh doanh vận tải.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, sau khi Thông tư 08/2023 được ban hành, tình trạng ùn tắc đăng kiểm đã hạ nhiệt, lượng xe có nhu cầu đến kiểm định tại các TTĐK giảm rõ rệt.

Cục Đăng kiểm VN cũng khuyến cáo các TTĐK ưu tiên kiểm định cho xe kinh doanh vận tải và các xe đã hết hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định, đảm bảo sớm khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp cũng như xã hội.

Về kiến nghị này của Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM, anh Lê Văn Đức (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết không phù hợp bởi xe này lưu thông trên đường thường xuyên xảy ra tai nạn do mất phanh, xe tải xả khói mù mịt, chở hàng quá tải. “Xe kinh doanh vận tải cần siết chặt đăng kiểm để đảm bảo an toàn giao thông cho chính tài xế và người tham gia giao thông khác”, anh Đức nêu ý kiến.

img

Hầu hết các nước trên thế giới đều tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian

Tính chu kỳ kiểm định theo thời gian là phù hợp

Đối với kiến nghị tính chu kỳ kiểm định xe theo km, Cục Đăng kiểm VN cũng nhiều lần khẳng định: Chu kỳ kiểm định ô tô được thiết lập dựa trên các nghiên cứu và thông tin khoa học về tuổi thọ và an toàn của các thành phần trên xe ô tô.

Các đơn vị quản lý và các tổ chức kiểm định xe ô tô trên thế giới đã phát triển các quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định xe ô tô dựa trên 3 yếu tố chủ yếu.

Thứ nhất là năm sản xuất xe bởi các nghiên cứu đã chứng minh rằng các thành phần trên xe ô tô, như động cơ, hệ thống treo, hệ thống phanh và hệ thống lái sẽ có xu hướng hư hỏng và hao mòn theo thời gian. Đặc biệt là các chi tiết, chất lỏng như: lốp xe, các chi tiết bằng cao su, linh kiện kim loại, dầu bôi trơn,… là nhữnng chi tiết có thể bị lão hoá theo thời gian, kể cả trường hợp không sử dụng xe. Do đó, các chu kỳ kiểm định xe ô tô được thiết lập dựa trên năm sản xuất của xe.

"Việc tính chu kỳ kiểm định xe theo số km rất khó khả thi vì hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ô tô là đúng và chính xác. Điều này còn có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km.

Ngay cả nhà sản xuất ô tô cũng không thể kiểm soát được việc gian lận km xe chạy. Nếu đưa ra đề xuất này cần có chế tài kiểm tra để xác định được chính xác số km xe chạy nhằm hạn chế hoàn toàn việc gian lận trên, từ đó tránh tiêu cực đăng kiểm”, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội).

Thứ hai là tần suất sử dụng xe bởi thực tế chứng minh qua các nghiên cứu, các thành phần trên xe ô tô sẽ chịu tác động lớn hơn và hao mòn nhanh hơn khi xe được sử dụng với tần suất lớn (ví dụ như các loại xe dịch vụ taxi, xe khách, xe tải…).

Thứ ba là môi trường hoạt động, xe ô tô hoạt động trong môi trường nhiều bụi bẩn, đất đá, hoặc môi trường có độ ẩm cao, độ muối cao cũng sẽ có xu hướng hư hỏng nhanh hơn so với xe hoạt động trong môi trường khô ráo và sạch sẽ.

“Dựa trên các yếu tố trên, các quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định xe ô tô khác nhau sẽ được áp dụng trong các quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, điểm chung của các quy định này là đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe của người lái xe và người đi đường.

Như vậy có thể thấy chỉ số quãng đường xe đã chạy (km trên đồng hồ) chỉ là một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định chu kỳ kiểm định. Nên không thể quyết định việc kiểm định chỉ dựa trên chỉ số này”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA), nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định thời hạn kiểm định của xe ô tô theo thời gian sử dụng với chu kỳ khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử dụng (xe cá nhân, xe kinh doanh).

Vì vậy, việc quy định thời hạn kiểm định phương tiện theo thời gian sử dụng như hiện nay tại Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, được dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và thuận tiện cho công tác quản lý.

Về vấn đề này, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết, hầu hết các nhà sản xuất ô tô hiện nay đều tính thời hạn phương tiện cần bảo hành, bảo dưỡng dựa trên 2 tiêu chí: Số km xe chạy hoặc thời gian sử dụng, tiêu chí nào đến trước thì chủ xe đưa ô tô đi bảo hành thời điểm đó.

“Chất lượng kỹ thuật phương tiện sẽ suy giảm theo cả 2 yếu tố: Số km vận hành và thời gian bảo quản. Do đó, không phải cứ ít đi, xe sẽ đảm bảo an toàn kỹ thuật”, ông Phúc nói và nhìn nhận: Việc tính chu kỳ kiểm định theo thời gian như hiện nay là phù hợp cả về mặt quản lý và về mặt kỹ thuật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.