Ngày 24/5, ông Lữ Quốc Việt, Giám đốc Ban quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết, quận đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư đối với dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Nút giao Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo.
Theo ông Việt, 5 nút giao này sẽ được cải tạo, mở rộng mặt đường ở phần cua quẹo; để làm sao diện tích mặt đường có thể đảm bảo xe cộ lưu thông được thông suốt.
“Trước đó, TP cũng đã tính tới phương án làm cầu vượt. Điểm khả thi của phương án này sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiệu quả. Tuy nhiên, nếu làm cầu vượt sẽ mất nhiều diện tích, cư dân xung quanh khu vực cầu vượt sẽ không thể kinh doanh mua bán.
Trong khi diện tích của quận Ninh Kiều tương đối nhỏ, 5 nút giao này lại nằm ngay 5 vị trí đắc địa. Do đó, TP chọn phương án mở rộng nút giao kết hợp với bố trí đèn tín hiệu giao thông thông minh”, ông Việt thông tin.
Kẹt xe tại 5 nút giao trong giờ cao điểm.
Trước đó, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản, thống nhất chủ trương, giao UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư dự án cải tạo mở rộng 5 nút giao thông bao gồm: nút giao Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo; Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt; Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ; Nguyễn Văn Linh - 3/2 và Nguyễn Văn Linh - 30/4.
5 nút giao thông này suốt thời gian qua đã trở nên quá chật hẹp so với lượng người và phương tiện lưu thông dày đặc. Mỗi ngày vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, trở thành “điểm nóng” ùn tắc giao thông.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư bằng cách mở rộng nút giao cùng mức, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập. Trong tương lai xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, qua khái toán sơ bộ chi phí đầu tư và tổng hợp kinh phí giải phóng mặt bằng, dự án sẽ đền bù đất ở và đền bù tài sản gắn liền với đất là hơn 28.900 m2, tổng chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư là hơn 985 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và chi phí khác.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết thêm, cùng với việc đầu tư, cải thiện hạ tầng, trong 5 năm tới, TP sẽ giải quyết vấn đề kẹt xe bằng nhóm giải pháp.
Trong đó, Sở GTVT sẽ phối hợp với ngành xây dựng và các đơn vị có liên quan tăng tỉ lệ đất dành cho giao thông, từ 24-26% trong quy hoạch. Song song với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA, các giải pháp giao thông thông minh cũng sẽ được tính toán để giảm ùn tắc…
Đặc biệt, TP sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, điều tiết giao thông. Trong năm 2022, Sở sẽ khởi công xây dựng Trung tâm Quản lý giao thông đô thị, gói thầu quản lý giao thông thông minh tại 15 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận