Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí |
Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 6 khoá XIV diễn ra sáng 20/11, phóng viên báo chí đặt câu hỏi cho Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có 3 mức phiếu như hiện nay, không có mức nào là không tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm. Vậy đã đến lúc sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế là có hai mức đánh giá hay chưa?".
Giải thích, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, chúng ta lấy phiếu tín nhiệm chứ không phải bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhiều nước bỏ phiếu bất tín nhiệm nên mới có 2 mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, còn Quốc hội Việt Nam lấy phiếu là để xem mức độ tín nhiệm của người giữ chức danh đó tới đâu.
Người nào có số phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% thì xin từ chức, còn số phiếu này quá 2/3 thì đương nhiên chuyển sang quy trình bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức đánh giá “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
“Như vậy ta có hai bước làm. Ngoài ra, nước ngoài không lấy phiếu tín nhiệm với cơ quan lập pháp, còn ta lấy tất cả nhằm đánh giá xem anh hoàn thành nhiệm vụ tới mức nào, nếu tín nhiệm thấp thì phải điều chỉnh, rút kinh nghiệm làm tốt hơn” – ông Phúc nói.
“Tổng Thư ký Quốc hội nói kết quả lấy phiếu tín nhiệm là khách quan, công tâm, nhưng với Bộ trưởng GD-ĐT có 137 phiếu “tín nhiệm thấp” nhưng lại có 140 “tín nhiệm cao”, tức là gần bằng nhau thì cử tri có đủ tin tưởng ?” – báo chí tiếp tục đặt câu hỏi.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đây cũng là quyền của ĐBQH, là do ĐBQH đánh giá như thế. Và thực tế, Bộ trưởng GD-ĐT có phiếu tín nhiệm thấp nhất so với các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Theo ông Phúc, giáo dục – đào tạo là lĩnh vực liên quan đến tất cả người dân, vừa qua cũng xảy ra nhiều chuyện trong thi cử nên mức phiếu cũng thể hiện điều đó.
“Tôi cho rằng đại biểu đánh giá hoàn toàn chính xác” – ông Phúc nói.
Về kết quả một số người đạt số phiếu tín nhiệm thấp, theo ông Phúc, điều này cũng là bình thường khi họ mới thực hiện nhiệm vụ được nửa nhiệm kỳ, có thể trong công việc thì tín nhiệm chưa cao.
Trả lời câu hỏi về cơ chế giám sát như thế nào sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh, nhân dân và cơ quan nơi người đó công tác chính là người giám sát và bản thân người được lấy phiếu phải nỗ lực hoàn chỉnh mình, mặt nào còn tồn tại thì cần khắc phục, mặt nào mạnh thì phát huy.
“Chỉ khi nào số phiếu “tín nhiệm thấp” vào khoảng theo quy định thì mới tiến hành xem xét, song vừa qua kết quả cho thấy không ai nằm trong khoảng đó. Do đó, người có phiếu tín nhiệm thấp cần phát huy để công việc tốt hơn nữa” – Tổng Thư ký Quốc hội nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận