Pháp đình

Vì sao không thực hiện áp giải "bà trùm" Hứa Thị Phấn ra toà?

23/11/2019, 07:46

Trong giai đoạn hai của vụ án, bà Hứa Thị Phấn bị tuyên phạt thêm 20 năm tù và phải trả lại cho TrustBank 1.300 tỷ đồng đã chiếm đoạt.

img
Các bị cáo trong phần tuyên án

Chiều tối ngày 22/11, Tòa án nhân dân TP.HCM tiến hành tuyên án trong vụ bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ và đồng phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 1.300 tỷ đồng.

Tòa xác định Hứa Thị Phấn là chủ mưu trong vụ án, các đồng phạm còn lại đóng vai trò phụ thuộc, không hưởng lợi, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Theo đó, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù. Tổng hợp cùng các bản án trước, bị cáo Hứa Thị Phấn bị tuyên phạt 30 năm tù.

Bị cáo Bùi Thị Kim Loan, nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn bị tuyên phạt 7 năm tù, tổng hợp mức án 28 năm tù ở giai đoạn 1, Loan phải chấp hành án 30 năm tù.

Các bị cáo khác bị phạt từ 2 năm tù treo đến 7 năm tù.

Lí giải về việc bà Phấn không có mặt tại phiên xử, Hội đồng xét xử nhận định, Tòa đã triệu tập, tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo theo đúng quy định. Thời điểm tống đạt tại bệnh viện Tân Hưng, quận 7, bị cáo được xác định tỉnh táo. Dù bị cáo vắng mặt không lý do nhưng HĐXX xem xét bị cáo Phấn đã lớn tuổi, có một số chứng bệnh đang điều trị tại bệnh viện nên không thực hiện áp giải bị cáo ra tòa, điều này phù hợp với quy định pháp luật.

HĐXX xét thấy việc vắng mặt của bị cáo Phấn không gây trở ngại của việc xét xử, vì bị cáo đã có lời khai trong hồ sơ vụ án và tại biên bản lấy lời khai này có sự tham gia của luật sư bào chữa cho bị cáo; đồng thời, tại phiên tòa có 2 luật sư bào chữa cho bị cáo. Ngoài lời khai của bị cáo, HĐXX còn căn cứ vào lời khai, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội của bị cáo.

HĐXX nhận định, tại phiên tòa này các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, lời khai phù hợp với nhau. Cùng với nhiều chứng cứ khác như hợp đồng chuyển nhượng, đầu tư... đủ cơ sở xác định bà Hứa Thị Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ 84,9% vốn điều lệ TrustBank, chi phối điều hành mọi hoạt động của ngân hàng để thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ HĐQT, ban điều hành và cán bộ nhân viên ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội.

Phạm Công Danh được nhận 97 bất động sản nhưng tiếp tục bị kê biên

Về dân sự, HĐXX buộc bị cáo Phấn bồi thường toàn bộ số tiền 1.338 tỷ đồng cho Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam - CB Bank (tiền thân là TrustBank).

Đối với 29 khoản vay của bà Phấn tại TrustBank được đảm bảo bằng 114 bất động sản, mà ông Phạm Công Danh, Chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh đã mua lại. HĐXX cho rằng ông Danh phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ của bà Phấn và nhóm Phú Mỹ để tiếp quản TrustBank nên phải cùng Tập đoàn Thiên Thanh có quyền và nghĩa vụ liên quan trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng CB (tiền thân TrustBank).

Tính đến ngày khởi tố vụ án, hiện đã có một công ty trả nợ 4 khoản vay và được cấn trừ vào 17 bất động sản, HĐXX công nhận 97 bất động sản còn lại là của ông Danh. Do ông Danh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong nhiều vụ án nên HĐXX tiếp tục kê biên các bất động sản này để đảm bảo thi hành án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.