Cựu luật sư Nguyễn Thành Tài, người vừa bị bắt tạm giam về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" |
Ngày 28/8, tin từ Cơ quan Công an TP. Cần Thơ cho biết, đã bắt tạm đối với Nguyễn Thành Tài (37 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tài nguyên là luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Cần Thơ. Năm 2013, Tài bị xoá tên khỏi Đoàn luật sư TP. Cần Thơ do vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Làm giấy tờ nhà đất giả để lừa đảo
Quá trình điều tra xác định, tháng 3/2014, Tài đã mang đi cầm cố căn nhà và đất đang sở hữu tại phường An Khánh cho một người tại TP. Hồ Chí Minh. Do không có tiền chuộc nhà, Tài đã chuyển nhượng căn nhà này cho một người khác tại huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau). Sau đó, Tài thuê lại nhà này và nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 1/2015, Tài thuê người ở TP. Hồ Chí Minh làm giả giấy tờ nhà đất của căn nhà này đứng tên vợ chồng Tài.
Khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giả do vợ chồng Tài đứng tên, Tài đã đem cầm cố dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng cho bà P. (ngụ quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) được số tiền 300 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng. Hợp đồng được Văn phòng công chứng M.Tây (Cần Thơ) công chứng.
Thời gian sau, Tài không có khả năng đóng tiền lãi cho bà P. nên bà P. yêu cầu Tài trả nợ nếu không bà P. sẽ làm thủ tục sang tên giấy tờ nhà đất trên qua tên bà P. Sợ bà P. phát hiện giấy tờ nhà đất là giả, Tài đến gặp người bạn tên T. nói rằng nhà đất Tài có giá trị hơn 1 tỷ nhưng đang cầm 300 triệu nên nhờ T. đưa 700 triệu đồng để chuộc ra còn số tiền dư dành cho vợ làm ăn và Tài sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho anh T. Anh T. đồng ý đưa 700 triệu đồng cho Tài và nhận chuyển nhượng nhà đất của Tài nhưng anh T. sẽ thế chấp căn nhà của mình tại phường An Hòa (quận Ninh Kiều) cho ngân hàng bằng hình thức trả góp. Tài có trách nhiệm trả lãi và gốc cho ngân hàng số tiền 700 triệu đồng cho đến hết nợ khi đó anh T. sẽ hủy hợp đồng chuyển nhượng và trả lại giấy tờ nhà đất cho Tài. Tài chấp nhận nên anh T đã đem giấy tờ nhà đến ngân hàng để thế chấp vay được 970 triệu đồng và giao cho Tài 250 triệu đồng, cộng với số tiền 60 triệu đồng Tài nợ trước đó là 310 triệu đồng.
Đến ngày 17/11/2016, Tài đến Văn phòng công chứng M.T hủy hợp đồng chuyển nhượng với bà P. và làm hợp đồng chuyển nhượng với anh T. Tại đây, anh T. giao cho Tài thêm 390 triệu đồng. Tài trả tiền đủ cho bà P. Sau khi nhận đủ tiền, Tài có gửi cho anh T. hai lần đóng tiền ngân hàng rồi không có khả năng đóng nữa nên anh T. phải đóng thay. Do Tài không đóng tiền nên anh T. sợ khi không còn khả năng đóng tiền, ngân hàng ngân hàng sẽ lấy nhà đất của anh T. nên anh T. đi sang tên giấy tờ nhà đất của Tài theo hợp đồng chuyển nhượng. Khi anh T. nộp giấy tờ nhà đất của Tài vào Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và bị nghi vấn đây là giấy tờ giả nên gửi công văn đến Công an yêu cầu điều tra làm rõ.
Lấy "mác" luật sư để chiếm đoạt tiền
Ngoài ra, thông qua bà K, chị H. quen biết Tài từ đầu năm 2016. Quá trình quen biết Tài giới thiệu cho chị H. mua căn nhà của bà K. đã bị ngân hàng phát mãi bán đấu giá cho anh N. Tài nói do quen biết chủ nhà nên có thể mua được với giá 970 triệu đồng thay vì 1,4 tỷ đồng. Chị H. kiểm tra bằng cách gọi cho chủ nhà hỏi thì được chủ nhà cho biết giá bán là 1,4 tỷ đồng nên chị H. trả lời với Tài là đồng ý mua căn nhà với giá 970 triệu đồng.
Sau đó, Tài soạn hợp đồng chuyển nhượng đưa cho chị H. ký tại nhà bà K. và nhận 300 triệu đồng tiền đặt cọc của chị H. Nhận tiền rồi Tài lánh mặt.
Đến ngày 9/3/2016, chị H. tìm được Tài nên Tài làm biên nhận nhận tiền của chị H. và hứa đến ngày 16/4/2016 sẽ trả. Tuy nhiên, đến thời hạn nhưng Tài không trả nên chị H làm đơn tố cáo Tài đến cơ quan điều tra.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn nhận được đơn của hai nạn nhân tố cáo Tài sử dụng “mác” luật sư nhận của họ một người 100 triệu đồng và một người 75 triệu đồng để làm thủ tục giám đốc thẩm các bản án dân sự cho họ nhưng sau khi nhận tiền Tài không làm gì cả. Khi họ gặp Tài đòi lại tiền, Tài không có khả năng trả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận