Đời sống

Vì sao năm nay ĐBSCL liên tiếp triều cường trái mùa gây ngập đường nội thị?

14/04/2022, 09:47

Thông thường, thời điểm này vùng ĐBSCL vào mùa hạn, nước kém. Nhưng năm nay, triều cường liên tục, nước dâng cao ngập nhiều tuyến đường nội thị.

“Nước năm nay kỳ lạ lắm, mùa này mà cũng ngập. Làm vườn phải canh nước để bơm ra, cực lắm”, ông Nguyễn Văn Tiến, nông dân xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nói vậy.

Còn anh Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách thi công của Công ty CP Tập đoàn Phú Tài miền Trung, đang làm bờ kè rạch Cái Sơn đoạn qua quận Bình Thủy, TP Cần Thơ than rằng: “Triều cường liên tục vào mùa hạn! Chúng tôi thi công bị chậm tiến độ cũng vì vậy, nước lên thì không thể thi công các hạng mục nằm sâu bên dưới”.

img

Nhiều con đường ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu ngập nặng vào ngày 11/4.

Mới đây, ngày 11/4, do triều cường và cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu ngập nặng. Theo ghi nhận tại các tuyến đường chính của TP Bạc Liêu như: Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Hoà Bình, Trần Phú... đều bị ngập nặng. Các phương tiện di chuyển khó khăn, nhiều vị trí ngập sâu hơn 50cm nước.

Nhiều xe máy phải dắt bộ do chết máy. Thậm chí, nhiều nhà dân bị nước ngập tràn vào cả nhà. Nước đen sì từ các cống tràn lên gây khó khăn cho việc buôn bán, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân dọc theo đoạn tuyến…

Ở Cà Mau, đơn vị thi công sửa chữa tuyến đường Hồ Chí Minh cũng đang khổ sở vì triều cường. Nước dâng cao khiến một số hạng mục phải kéo dài thời gian thi công...

Lý giải điều này, Tiến sĩ Dương Văn Ni, cán bộ Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “ĐBSCL có hai chế độ triều, phía biển Đông là bán nhật triều, tức là trong 24 giờ có hai con nước lớn và hai con nước ròng. Phía biển Tây là nhật triều, trong 24 giờ chỉ có một con nước lớn và một con nước ròng.

Năm nay, gió mùa Đông - Nam chấm dứt muộn, nên các tỉnh từ Bến Tre đến mũi Cà Mau khi nước lớn cộng với gió mạnh, sẽ làm mực nước dâng cao hơn bình thường.

Thêm vào đó, là hệ thống đê, cống ngăn mặn ven biển vận hành theo cách đóng lúc nước lớn để tránh nước mặn xâm nhập vào đất liền, cũng góp phần làm “dội nước” nên gây ngập lụt vùng bên ngoài đê”.

Theo Tiến sĩ Ni, chuyện thay đổi chế độ thủy văn không còn giống như vốn kinh nghiệm mà người dân đang có thực ra đã xảy ra trong nhiều năm.

“Phần do thời tiết thay đổi thất thường, nhưng chủ yếu là chúng ta “tự đánh mất” vốn kinh nghiệm qúy báu mà cha ông đã dày công đúc kết qua nhiều thế hệ, do suy nghĩ “cải tạo thiên nhiên” đã xảy ra trong một thời gian dài và sự mai một tri thức bản địa qua từng thế hệ”, Tiến sĩ Ni nói vậy.

Ông dẫn chứng, trong hai tuần lễ đầu tháng 4 Dương lịch, mưa trái mùa đã làm cho hàng ngàn héc-ta lúa Hè Thu sớm bị sập.

Đây là minh chứng cho chuyện “lệch pha” giữa kiến thức của người nông dân và thời tiết thay đổi.

Bởi vì trong nhiều năm qua, mưa đầu mùa thường là mưa nhỏ và thường xuất hiện vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5 Dương lịch, vì vậy mà nông dân đã điều tiết vụ Hè - Thu sớm thu hoạch trong tháng 4 cho an toàn.

“Với sự đầu tư nhiều năm vào hệ thống đê bao, cống đập…làm cho niềm tin khắc chế tự nhiên theo ý muốn của con người càng được củng cố.

Tuy nhiên, chỉ với việc mưa đến sớm và mưa lớn thôi, đã cho thấy là khả năng chống lại thiên nhiên của chúng ta sẽ còn nhiều thử thách hơn trong tương lai”, ông dẫn chứng để liên tưởng đến việc triều cường cũng đã không còn theo quy luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.