Giảm lãi suất, vẫn cần tạo điều kiện tiếp cận vốn
Ngay trong ngày làm việc đầu tuần này, Vietcombank đã công bố việc cắt giảm 0,5% lãi suất, không phân biệt lĩnh vực và quy mô gói vay mà áp dụng đối với tất cả khách hàng đang có dư nợ tại đây. Đây là đợt giảm lãi suất phủ rất rộng (các đợt giảm trước chỉ áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên hay chỉ dưới dạng gói tín dụng ưu đãi) dù mức giảm chỉ ở 0,5%/năm và chỉ áp dụng trong thời gian hai tháng từ 1/11 đến hết tháng 12/2019.
Vietcombank tính toán, mức tín dụng có tác động trong đợt giảm này là 320.000 tỷ đồng. Nếu ước tính theo tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của Vietcombank thì con số trên tương đương khoảng 1/3 tổng tín dụng của ngân hàng sẽ được giảm 0,5% lãi suất trong hai tháng cuối năm. Do thời gian áp dụng chỉ tính trong 2 tháng nên ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết, chỉ làm giảm lãi của ngân hàng này khoảng 260 tỷ đồng. Con số này được coi là không “thấm tháp” gì so với lợi nhuận 2019 dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng của ngân hàng này.
“Nối gót” Vietcombank là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) với mức giảm cao nhất tới 2% - 3,6%/năm cho các khoản vay mới và giảm 1% cho các khoản vay cũ; kéo lãi suất cho vay tại đây về dưới 8%/năm. Đến thời điểm cuối ngày 18/11, thêm ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố dành 5.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm cho khách hàng và hướng mạnh nguồn vốn này đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân vay phục vụ sản xuất, kinh doanh…
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta cho biết, ngân hàng giảm được bao nhiêu là đỡ cho doanh nghiệp bấy nhiêu. Hiện doanh nghiệp của ông Nghĩa đang phải đi vay ngân hàng với lãi suất 11%/năm. Dù lãi suất này khá cao so với các doanh nghiệp được vay ưu đãi song ông Nghĩa cho biết, vay được vốn đã là tốt bởi có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ông đang hoạt động là logistics không thể tiếp cận được vốn do quy mô nhỏ lại không có tài sản thế chấp. Do đó, mong muốn của doanh nghiệp này là lãi suất giảm rồi nhưng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn.
“Vòng kim cô” nợ xấu kiềm chân lãi suất
Nhận xét về khả năng giảm mặt bằng lãi suất, Tổng giám đốc một ngân hàng tầm trung tại TP HCM cho rằng, ở thời điểm cuối năm vừa khó vừa dễ. Khó ở chỗ cuối năm luôn là cao điểm về vốn khi doanh nghiệp phải trả lương và thưởng Tết, cần thanh toán tiền hàng, đặc cọc cho các hợp đồng quý 1/2020… Khi nhu cầu vốn tăng mạnh thì tất nhiên là khó giảm lãi suất. Nhưng dễ ở chỗ nếu chỉ giảm lãi suất trên giấy tờ. Điều này có nghĩa là ngân hàng công bố giảm lãi suất nhưng thực chất sẽ có rất ít doanh nghiệp được hưởng lợi bởi đến cuối năm rất nhiều ngân hàng đã hết room (chỉ tiêu) tín dụng mà không hoặc chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm. Do đó, giảm lãi suất phải thực chất, doanh nghiệp phải tiếp cận được vốn với lãi suất thấp ấy mới có ý nghĩa. Và ý nghĩa hơn nếu việc giảm lãi suất mang tính bền vững chứ không chỉ ở 1 hay 2 tháng cho có phong trào.
Ngay cuối tuần trước, nhận định về khả năng giảm lãi suất ở thời điểm này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, về mặt khách quan là chưa thể bởi các ngân hàng còn vướng rất nhiều nợ xấu. “Nợ xấu là tài sản không sinh lời nhưng nợ xấu đó vẫn đòi hỏi các ngân hàng phải thanh toán tiền gửi cho khách hàng mà họ dùng vốn của khách hàng đó cho vay để trở thành nợ xấu. Ngân hàng vẫn phải nuôi nợ xấu đó bằng cách huy động vốn vào qua biện pháp duy trì lãi suất cạnh tranh, cạnh tranh với các ngân hàng khác và cạnh tranh với các kênh đầu tư khác”, ông Hiếu phân tích và cho rằng, nợ xấu vẫn là vấn đề lớn của các ngân hàng không chỉ năm nay mà còn trong năm tới, không chỉ nợ xấu cũ mà còn nợ xấu mới phát sinh.
Ông Hiếu cũng chỉ ra nguyên nhân khó giảm lãi suất về khách quan là chi phí hoạt động của các ngân hàng vẫn cao, điển hình là việc sử dụng nhiều nhân lực, các khoản trích lập dự phòng… đều là các chi phí rất lớn. Ngoài ra, trong bảng cân đối kế toán có các khoản phải thu tiền lãi (lãi dự thu) nhưng tại nhiều ngân hàng có những món nợ không thanh toán được. Điều này có nghĩa là lãi đó chỉ là trên sổ sách, không có trên thực tế.
Bởi thế nên theo lãnh đạo một ngân hàng tại TP HCM, cách giảm lãi suất nhanh và khả thi nhất là các ngân hàng giảm bớt lợi nhuận. Hiện các ngân hàng cũng đã phát triển các dịch vụ ngoài tín dụng (dịch vụ thẻ, chuyển tiền, thanh toán, bảo hiểm…) và tạo nguồn thu tốt. Tỷ lệ lợi nhuận giữa khu vực tín dụng và dịch vụ đang ở mức trung bình 7-3, hướng tới 6-4 và đang dần từng bước phấn đấu đến tỷ lệ 5-5. Tất nhiên đây tỷ lệ này không phải một sớm một chiều là đạt được nhưng ngân hàng phải chuyển dịch mới có kết quả.
Năm 2020 có thể giảm tiếp, nhưng không sâu
Ngày 18/11, một số ngân hàng giảm lãi suất nhưng chặn ở thời điểm 31/12/2019. Vậy sang 2020 thì sao? Theo lãnh đạo một ngân hàng tại TP HCM, sang năm 2020 thì chắc chắn có thể giảm bởi nhu cầu vốn giãn ra, room tín dụng cũng được cấp mới. Thêm nữa, lượng tiền thanh toán từ ngân sách cho các dự án từ thời điểm chót năm cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nếu các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt, doanh nghiệp có đà phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh thì sang năm nhu cầu vốn đầu tư cũng sẽ lớn và khả năng giảm lãi suất là có nhưng không thể giảm sâu. “Cách nhanh và khả thi vẫn là ngân hàng lớn đi đầu bớt lời để giảm lãi suất. Khi đó, về nguyên tắc nếu ngân hàng này giảm mà ngân hàng kia không giảm thì sẽ chết, vị này nói.
Thêm “ông lớn” ngân hàng giảm lãi suất cho vay
VietinBank chiều 19/11 đã ban hành văn bản giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6,5%/năm xuống còn 6%/năm. Cụ thể, Vietinbank giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ 2 trong năm nay của VietinBank.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận