Bạn cần biết

Vì sao người trẻ nghiện... Facebook đến mức phải nhập viện?

15/01/2018, 07:04

Hiện tại, BV Tâm thần T.Ư đang điều trị cho 3 bệnh nhân trẻ mắc trầm cảm, loạn thần vì nghiện Facebook.

20

Ảnh minh họa:Tạ Tôn

Bỏ ăn, quên ngủ vì nghiện Facebook

Bệnh nhân N.T. (26 tuổi, Hà Nội) được người nhà cho nhập viện trong tình trạng cơ thể gầy héo như xác ve, đờ đẫn chả thiết gì ăn uống, thậm chí mọi sinh hoạt cá nhân đều trông chờ vào người khác. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong thời gian mang bầu, T. suốt ngày nằm chơi điện thoại. Sau khi sinh con, vì nghiện facebook, T. bỏ cả việc chăm con. Đỉnh điểm khi T. ôm con về nhà mẹ đẻ, T. nhốt mình trong phòng, chỉ nằm ôm điện thoại, không giao lưu với bất kỳ ai, con cái thì dồn hết cho bà ngoại. Thấy T. có biểu hiện lạ không ăn, không nói, nằm bất động, thậm chí đại tiểu tiện tại chỗ, gia đình đã hốt hoảng đưa đi viện khám. Các bác sĩ cho biết, T. bị trầm cảm và buộc phải điều trị nội trú.

Tương tự là trường hợp bệnh nhân T.H. (17 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bị cha mẹ cho uống thuốc mê. Nguyên nhân là do nữ sinh đã có hành động đập phá, bỏ ăn uống, thậm chí cấu xé cha mẹ chỉ vì… bị gia đình ngắt mạng internet. Người thân của bệnh nhân cho hay, H. thường xuyên trốn học, ở nhà ôm điện thoại suốt ngày đêm, ngày càng sống thu mình, khép kín. Thấy con có biểu hiện bất thường nên gia đình quyết định cắt mạng internet. Tuy nhiên, không ngờ H. lại có hành động quá khích, dữ tợn với người trong nhà. Khi nhập viện, H. được bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm do nghiện Facebook.

Theo TS. Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ, Phó GĐ Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, trước đây bệnh viện cũng tiếp nhận một nữ sinh khác bị tâm thần cũng vì thói quen nghiện Facebook. Cô gái này thường xuyên thức đêm để chơi Facebook. Chỉ khi thấy con không ăn uống, thức khuya, hay lẩm bẩm một mình và sống thu mình, thậm chí, thường nói nhảm cho rằng có ai đó cứ nhắc trong đầu là vào mạng Facebook đi… gia đình vội vã đưa đến viện.

Ông Tô Thanh Phương cho hay, hiện ở khoa đang điều trị cho 3 trường hợp nghiện điện thoại nặng phải nhập viện điều trị. Đáng nói các bệnh nhân đều rất trẻ.

Ths. Lê Quang Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi và người già, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, BV Bạch Mai cũng cho biết, việc lạm dụng game, Facebook khiến trẻ rối loạn ăn uống, ngủ, thay đổi nhận thức. “Có cháu cả ngày dùng Facebook, hỏi việc gì cũng không trả lời, sống tách biệt, không giao lưu. Nhiều cháu đến khám, hỏi ra thấy hoang tưởng, ảo giác với tiếng nói “mày phải chơi Facebook đi” đúng hiện tượng ảo thanh, xuất hiện lúc chạng vạng tối…”, ông Thiện cho biết.

Chưa có mã bệnh nghiện Facebook nên chưa có thuốc đặc trị

BS. Lê Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, BV Bạch Mai cho biết: “Khi nghiện Facebook dễ khiến các bạn trẻ chỉ sống trong thế giới ảo, thu hẹp các mối quan hệ thật, thậm chí chẳng quan tâm đến sức khỏe… rối loạn nhịp giấc ngủ (ngày ngủ, đêm thức) ảnh hưởng đến học tập, làm việc; phát sinh rối loạn tâm thần tiềm tàng. Ví như, người bệnh vốn mắc chứng lo âu, trầm cảm nên khi sử dụng Facebook, các chứng bệnh này của bệnh nhân tăng nặng lên. BS. Phương cũng cho rằng, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng lo lắng, bất an gia tăng, bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống… lâu dần sẽ sinh ra bệnh.

Theo BS. Hà, trên thế giới chưa có mã bệnh nghiện facebook nên không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Do vậy, khi phát hiện dấu hiệu nguy cơ, cần can thiệp bằng cách giảm dần hoặc đóng Facebook hay xóa luôn, bên cạnh đó có sự can thiệp về tâm lý, bằng việc xây dựng kế hoạch, thời gian biểu với nhiều hoạt động khác; hoặc có can thiệp từ các bác sĩ tâm lý với những liệu pháp tư vấn... Đồng thời, can thiệp thuốc nếu có các dấu hiệu tâm thần khác.

BS. Hà cũng cho hay, Facebook hoàn toàn không xấu, mà có nhiều mặt tích cực. Vấn đề là làm sao sử dụng hiệu quả, có mục đích, chứ không phải lệ thuộc vào Facebook một cách không có mục đích thành nghiện facebook. Tiêu chuẩn để đánh giá nghiện Facebook là dành quá nhiều thời gian trên Facebook, ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ với người thân trong gia đình và bạn bè ở ngoài đời thực…

Thang đo nghiện Facebook do các nhà nghiên cứu người Na Uy phát triển gồm 6 câu hỏi và nếu trả lời là “thường xuyên” từ 4-6 câu, đồng nghĩa bạn bị nghiện Facebook:

1) Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó.

2) Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook càng ngày càng nhiều.

3) Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân.

4) Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công.

5) Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng Facebook.

6) Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi nó đã có tác động tiêu cực đến công việc/học tập của bạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.