Thời sự Quốc tế

Vì sao Nhật Bản "bắt tay" với Anh, Italy phát triển tiêm kích thế hệ mới?

12/12/2022, 13:48

Một số chuyên gia cho rằng việc Nhật Bản hợp tác với Anh, Italy phát triển tiêm kích phản ánh quan ngại của Tokyo về ổn định trong khu vực.

Trong tuyên bố chung ngày 9/12, Nhật Bản, Anh và Italy thông báo đặt mục tiêu phát triển, sản xuất và đưa vào vận hành tiêm kích thế hệ 6 trước năm 2035 trong dự án mang tên Chương trình Tác chiến Trên không Toàn cầu (GCAP). Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, dự án nhằm “đóng góp cho ổn định và hòa bình trên toàn cầu”.

Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề nghị tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP trước năm 2027. Trước đó, ngân sách quốc phòng hàng năm của Nhật Bản chỉ vào khoảng 1% GDP của quốc gia này.

Ông Ni Lexiong, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho rằng cuộc tập trận với quy mô chưa từng có tiền lệ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xung quanh đảo Đài Loan sau chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8 đã khiến các quốc gia trong khu vực hiểu rằng Bắc Kinh sẵn sàng biến những lời đe dọa thành hành động.

Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.

img

Mô hình đồ họa tiêm kích thế hệ 6 thuộc dự án GCAP.

“Cuộc tập trận của PLA hồi tháng 8 có ý nghĩa tham tham khảo rất lớn đối với Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản rằng họ nên chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với PLA. Riêng với Nhật Bản, Tokyo nhận ra nhu cầu cần có tiêm kích thế hệ mới phục vụ tác chiến trên không”, ông Ni nói.

Hiện Nhật Bản đang sử dụng mẫu tiêm kích thế hệ 5 F-35 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự tại Macau Antony Wong Tong cho rằng Nhật Bản đang tìm cách phát triển tiêm kích có thể đối đầu với tiêm kích hiện đại nhất của Trung Quốc là J-20.

“Mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tiêm kích J-20 của Trung Quốc thúc đẩy Nhật Bản phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới bởi tiêm kích hạng nhẹ F-35 của Mỹ không phải là đối thủ cân sức với tiêm kích Trung Quốc”, theo ông Wong. Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng Nhật Bản cần phát triển tiêm kích thế hệ mới để thay thế phi đội tiêm kích F-15 Strike Eagles đã sử dụng lâu năm.

Ông Song Zhongping, cựu giảng viên PLA, nhận định việc Nhật Bản, Anh và Italy phối hợp phát triển tiêm kích thế hệ 6 cho thấy PLA có thể đối mặt với những đối thủ mới mạnh mẽ hơn trong khu vực.

“Tiêm kích mới của Nhật Bản sẽ khiến kế hoạch thu hồi Đài Loan bằng vũ lực của PLA đối mặt nhiều khó khăn và phức tạp hơn”, ông Song cho biết, đồng thời cảnh báo dự án GCAP có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), việc Nhật Bản hợp tác phát triển tiêm kích cùng Anh, Italy còn thể hiện nỗ lực của Tokyo nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ quốc phòng của Mỹ.

Ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence có trụ sở tại Canada, cho hay Nhật Bản đã cân nhắc tham gia dự án chung về hợp tác phát triển tiêm kích trong nhiều thập kỷ, đặc biệt sau khi Tokyo thấy rằng tiêm kích F-35 được phát triển để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của quân đội Mỹ thay vì của các quốc gia khác.

Ông Chang cũng nhận định các bên tham gia dự án GCAP đã rất sáng suốt khi lựa chọn Italy bởi đây là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển hệ thống radar, công nghệ hàng không vũ trụ. “Ngoài ra, chưa có quốc gia nào tại châu Âu sở hữu tiêm kích thế hệ mới. Do đó, dự án hợp tác sẽ giúp Nhật Bản tăng cường hiện diện tại thị trường vũ khí châu Âu”, ông Chang cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.