Chính sách chỉ có ý nghĩa khi chính người dân có ý chí vươn lên
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại phiên họp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đánh giá: "Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể chính có ý chí vươn lên".
Ông lấy ví dụ một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên lâm bệnh nan y. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến.
Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo.
Do đó, đại biểu cho rằng cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) dẫn lại thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương và cho rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025.
Lý do là vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: Bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.
"Đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm", đại biểu Minh nhấn mạnh.
Theo ông, bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội thứ 5. Đó là tình trạng một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã, thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn nay trở thành thôn, xã nông thôn mới.
Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.
"Xem lại thực trạng giảm nghèo đã thực chất hay chưa?"
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), nguyên nhân căn cơ khiến nhiều người dân chưa muốn thoát nghèo là do cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài.
Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo. Khi hết Chương trình, hết dự án thì "nghèo lại hoàn nghèo".
Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao.
"Lúc đó, tự người dân họ nhận thức được, họ hồ hởi và không ai muốn quay lại nghèo", ông Hạ nói.
Góp ý để nâng cao nội dung các chương trình, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đề nghị xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả.
Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.
Còn đại biểu Đỗ Chí Nghĩa dẫn lại kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là chính những người dân.
Cùng với đó, cần giao quyền tự chủ cho người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương.
Clip: Đại biểu Quốc hội nói về lý do vì sao nhiều hộ nghèo không muốn thoát nghèo
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận