Một chiếc phi cơ cỡ lớn đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Helleniko, Hy Lạp |
Nhu cầu hàng không ngày càng tăng cao buộc các nước trên thế giới phải mở rộng, xây dựng thêm nhiều sân bay. Tuy nhiên, để hạn chế tiếng ồn, giảm ách tắc giao thông, hỗ trợ phát triển khu ngoại vi, tiết kiệm chi phí đền bù, GPMB..., các sân bay trên thế giới có xu hướng được xây dựng ở ngoại ô, cách xa khu dân cư, vùng lõi của các đô thị lớn.
Máy bay gần trung tâm gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn
Một trong những vấn đề của sân bay ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân đó là tiếng ồn. Năm 2013, các nhà nghiên cứu Anh cảnh báo về hiểm họa đối với sức khỏe của dân cư gần khu vực sân bay vì tiếng ồn phi cơ. Hai nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y tế Anh cho thấy, người dân sống tại các khu vực có mức độ ô nhiễm tiếng ồn cao từ máy bay ngang qua tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ và các bệnh về tim mạch cao hơn.
Một cuộc điều tra khác do các nhà nghiên cứu đến từ Khoa Sức khoẻ cộng đồng (Đại học Boston) và Khoa Sức khoẻ cộng đồng (Đại học Havard) của Mỹ tiến hành về tình hình các bệnh tim mạch cho thấy, trong số 6 triệu người sống gần 89 sân bay thì có đến 2/3 số người nhập viện vì các bệnh tim mạch có liên quan tới tiếng ồn máy bay.
Chưa kể, khí thải từ mật độ máy bay hoạt động dày đặc làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của người dân sống xung quanh các phi trường bận rộn.
Xu hướng chuyển dịch sân bay ra ngoại ô
Trước những năm 1970 khi nhu cầu hàng không chưa bùng nổ, phần lớn các phi trường dân dụng thường được xây dựng trong hoặc rất gần khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, từ năm 1970 đến nay, khi mật độ máy bay dày đặc, xu hướng sử dụng máy bay thân lớn tăng, độ ồn của máy bay cao, các sân bay dần được dịch chuyển ra khu vực cách trung tâm thành phố 30-50km.
Chẳng hạn, từ năm 2001, TP Athens, Hy Lạp đã dịch chuyển việc xây dựng sân bay mới ra khu vực ngoại ô để thay thế sân bay nội đô đã quá tải. Vì sân bay cũ Helleniko chỉ cách trung tâm thành phố 8km nên sân bay này không thể mở rộng thêm nữa. Mọi hoạt động bay được chuyển ra sân bay mới mang tên Eleftherios Venizelou, cách Athens 30km. Hiện nay, sân bay này đang hoạt động với công suất 16 triệu lượt khách/năm. Còn sân bay Helleniko được tái phát triển để sử dụng cho các mục đích khác. Để kết nối từ đô thị ra sân bay, chính quyền địa phương tổ chức dịch vụ xe buýt thường xuyên đưa khách từ trung tâm thành phố ra sân bay và ngược lại.
Cũng theo xu hướng này, Nauy phải dịch chuyển sân bay Olso vốn nằm cách Fornebu (ngoại ô thủ đô Oslo) chỉ 15km lái xe từ Toà thị chính Olso ra khu vực ngoại ô cách trung tâm thủ đô 35 km về phía Đông Bắc. Sở dĩ chính quyền thành phố quyết định thay thế sân bay tại Fornebu vì diện tích khu vực này chỉ có 340ha không cung cấp đủ số lượng số lần cất/hạ cánh cần thiết và không thể chứa được các máy bay thân rộng. Ngoài ra, Hiệp hội Phi công Quốc tế cũng cho rằng, sân bay này không đạt tiêu chuẩn an toàn vì lượng dân cư dày đặc bao quanh khiến hơn 70.000 người bị ảnh hưởng vì ô nhiễm và tiếng ồn từ máy bay. Với biện pháp chuyển sân bay ra ngoại ô, số người dân bị ảnh hưởng được giảm xuống còn 3.000 người.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như ngày nay, kế hoạch này bị đem ra tranh cãi suốt hàng chục năm. Một bộ phận chính trị gia cho rằng, dù sân bay Fornebu có nhiều thiếu sót nhưng thuận tiện vì ở gần trung tâm Olso. Ban đầu khi xây dựng dự án này, chính quyền địa phương dự định biến sân bay thành một phần trong khu dân cư, thương mại kết hợp giải trí. Song, những tác hại về môi trường, tiếng ồn, sự chật hẹp của sân bay cũ cũng như chi phí dành cho việc đền bù, GPMB ngày càng cao và trở nên cấp bách đã buộc Nauy quyết định xây dựng sân bay mới Gardermoen ở xa khu vực trung tâm, với tư duy sẵn sàng có thể cơi nới, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Hàng không trong tương lai. Để tạo thuận tiện và kết nối, Chính phủ xây dựng tuyến tàu tốc độ cao cho phép vận chuyển khách từ sân bay tới trung tâm Olso chỉ trong 20 phút.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận