Ông Joe Biden bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin khi còn ở cương vị Phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama
Tuy nhiên, bên cạnh động thái này, ông Biden vẫn coi Nga là mối đe dọa chính của Mỹ trên trường quốc tế và không khẳng định sẽ “làm mới” lại quan hệ như các chính quyền Tổng thống trước.
Đảm bảo an ninh, an toàn
New START là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga được ký kết năm 2010 và sẽ hết hạn ngày 5/2. Theo quy định, Mỹ và Nga không được triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược mỗi bên.
Thỏa thuận New START sẽ là bài kiểm tra đầu tiên cho chiến lược với Nga của ông Biden, tức là: Vừa hợp tác với Moscow trong một số lĩnh vực mà cả hai nước cùng có lợi ích chung trong khi vẫn giữ vị trí đối đầu và kiềm chế Nga trên nhiều mặt trận về quân sự, ngoại giao, kinh tế.
Ngay khi ông Joe Biden nhậm chức, Nhà Trắng đã nhấn mạnh rõ quan điểm coi trọng hiệp ước hạt nhân và khẳng định nó sẽ đem lại lợi ích an ninh quốc gia với Mỹ, nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga ở vị thế đối đầu nhau như hiện nay.
Cùng lúc, Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông báo đánh giá New START sẽ đảm bảo “an toàn” cho người Mỹ nếu tiếp tục được duy trì nguyên vẹn và gia hạn thêm 5 năm.
Tờ Washington Post dẫn lời một số chuyên gia Mỹ khẳng định, việc mở rộng thỏa thuận này thêm nửa thập kỷ nữa rất quan trọng vì nếu không có thỏa thuận kìm hãm tốc độ triển khai vũ khí hạt nhân giữa hai siêu cường hạt nhân, rất có thể sẽ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân toàn diện.
Bên cạnh đó, hãng tin NBC News trích một văn bản nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá thỏa thuận NEW START “sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của Nga, cho phép Washington tiếp cận một số thông tin về kho hạt nhân của Moscow, cũng như tiếp cận các căn cứ hạt nhân”.
Khôn khéo tận dụng để cân bằng chính trị
Thực tế, theo những tuyên bố mới từ Nhà Trắng, việc chính quyền ông Biden định gia hạn thêm 5 năm đối với New START - mức thời hạn kịch khung, đã đánh trúng điều Moscow mong muốn đó là gia hạn tối đa, không điều kiện.
Bởi trước đó, Moscow đã rất không đồng tình khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump muốn rút ngắn thời hạn mở rộng, đồng thời thay đổi một số cơ chế xác minh và xây dựng mô hình hiệp ước hạt nhân mới, mời thêm Trung Quốc tham gia. Thời điểm đó, điện Kremlin cực lực phản đối điều kiện đưa thêm Trung Quốc và tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận nếu giữ nguyên thỏa thuận như cũ.
Như vậy, ngoài mục đích về quốc phòng, quân sự, thỏa thuận hạt nhân New START còn là một trong số ít những điểm chung giữa hai nước mà ông Biden muốn tận dụng để kết nối với Nga, ngoài vấn đề về biến đổi khí hậu, y tế cộng đồng.
Về mặt chính trị ngoại giao, từ những kết nối hiếm hoi này, ông Biden có thể điều chỉnh, cân bằng, không đẩy quan hệ Nga-Mỹ đối đầu quá khốc liệt nếu như sau này tân Tổng thống Mỹ thực hiện một loạt lệnh trừng phạt Nga vì cáo buộc tấn công mạng và nghi vấn Moscow đầu độc thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny... như nhiều dự đoán được đưa ra gần đây.
Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền ông Joe Biden không đặt ra những mục tiêu quyết liệt “làm mới lại quan hệ với Nga” như nhiều Tổng thống trước, đưa Nhà Trắng dưới thời ông Joe Biden trở thành chính quyền đầu tiên kể từ thời hậu Chiến tranh lạnh không tuyên bố rõ việc cải thiện quan hệ với Nga, theo chia sẻ của nhiều quan chức với tờ The Washington Post.
Cõ lẽ vì ông Biden là người có bề dày kinh nghiệm đối ngoại với Nga, từng tiếp xúc và tham gia vào rất nhiều chiến lược “cài đặt lại” quan hệ Moscow-Washington dưới thời ông Barack Obama, chứng kiến thực tế một người từng xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Vladimir Putin tốt như ông Donald Trump cũng không thay đổi được tình hình quan hệ hai nước.
Cho nên, lần này ông Biden dè chừng hơn và chỉ tận dụng những lợi ích chung để kết nối chứ không vội tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ trên diện rộng.
Nga vẫn đề phòng, chờ đề xuất cụ thể
Cho thấy sự ủng hộ đối với động thái từ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc (xúc tiến gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước New START) song người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov vẫn nhấn mạnh, hiệp ước có thành công hay không còn phụ thuộc vào các chi tiết trong thỏa thuận. “Hãy chờ xem phía Mỹ đưa ra những đề xuất cụ thể như thế nào”, ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận