Tàu tốc độ cao Shinkansen của Nhật Bản
Hệ thống đường sắt hiện nay đã lạc hậu và kém hiệu quả. Vì thế, việc xem xét, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao chắc chắn sẽ tạo ra đột phá và cần phải tiến hành ngay.
Với các thế mạnh như vận tải khối lượng lớn hàng hóa, chi phí thấp, chạy được tốc độ cao, giảm ách tắc và tai nạn giao thông vì có đường riêng biệt, đầu tư đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết. Vấn đề hiện này vẫn còn một số ý kiến khác nhau là vốn, tốc độ chạy tàu và thời gian thực hiện.
Về thời gian thực hiện, theo tôi, đây là một dự án cần phải triển khai ngay để làm nền tảng kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế. Dự án này chắc chắn sẽ được tạo động lực quan trọng góp phần khơi thông các nguồn lực xã hội.
Từ kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao của thế giới cho thấy, đây là một trong những nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và các ngành nghề liên quan, các địa phương, các vùng kinh tế mà dự án đi qua.
Về vốn đầu tư, rõ ràng để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao đòi hỏi phải có vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, đối với một dự án như thế này thì hiệu quả của nó như thế nào mới là quan trọng. Nếu chúng ta lượng hóa được hiệu quả mà đường sắt tốc độ cao đem lại, không phải chỉ là gần 60 tỷ USD, mà 100 tỷ USD vẫn nên quyết định đầu tư.
Chắc chắn nhiều người cũng đặt vấn đề, vậy thì nguồn vốn lấy từ đâu? Khi đã được đưa vào chương trình đầu tư công thì sẽ có nhiều cách thức huy động, như từ ngân sách, vay vốn ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ...
Cùng đó là việc phân đoạn đầu tư, làm đoạn nào trước, đầu tư bao nhiêu tiền, tính toán hiệu quả tổng thể ra sao... Nhà nước cũng không thể bỏ tiền đầu tư toàn bộ mà có thể kêu gọi đầu tư tư nhân đối với những cấu phần dự án có thể nhìn thấy trước lợi nhuận. Quan trọng là cách thức, cơ chế đưa ra có hấp dẫn họ hay không.
Một trong những vấn đề quan trọng nữa hiện đang có một số ý kiến khác nhau là tốc độ tàu chạy bao nhiêu. Theo tôi, vấn đền này cũng cần phải được xác định sớm, phân tích thấu đáo để có kế hoạch phân bổ và huy động vốn phù hợp. Bởi, tốc độ tàu chạy liên quan trực tiếp đến vốn đầu tư của dự án.
Nhiều năm qua, chúng ta tập trung phát triển đường bộ, đường hàng không mà đang “quên” đường sắt. Trong khi đó, với nhiều nước trên thế giới, đường sắt là chủ đạo, là xương sống của hệ thống giao thông.
Với việc hiện đại hóa đường sắt đã được xem xét rất kỹ suốt nhiều năm qua, đây là thời điểm cần thiết để đưa ra quyết sách đối với ngành giao thông rất quan trọng này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận