“Lôi Báo” của Victor Vũ không tham gia tranh giải Cánh Diều 2017 |
Sao chỉ có con số 13?
Theo thông cáo của BTC, năm nay số lượng tác phẩm dự thi là 117 phim, trong đó có 13 phim điện ảnh, 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn cùng 4 công trình nghiên cứu lý luận điện ảnh.
Tuy nhiên, thực tế năm 2017 Việt Nam có 38 phim truyện nhựa ra rạp nhưng số lượng phim đăng ký dự Cánh Diều chỉ có 13 phim. Một số bộ phim có tên tuổi đã không tham dự như: Lôi Báo của Victor Vũ, Khi con là nhà của Vũ Ngọc Đãng, hay Lô tô của Huỳnh Tấn Anh… 13 phim được xem là con số khá khiêm tốn. Người yêu điện ảnh và các chuyên gia không khỏi băn khoăn về sự thiếu mặn mà của các đơn vị làm phim đối với sân chơi điện ảnh do chính hội nghề nghiệp của mình đứng ra tổ chức.
Lý do các nhà sản xuất đưa ra là phim của họ chỉ là phim giải trí, hướng tới tiêu chí doanh thu, không phù hợp với các giải thưởng điện ảnh nên không muốn gửi dự thi. Một số nhà sản xuất đang có phim ra rạp, ngại gửi dự thi vì nếu phim không đoạt giải lại ảnh hướng đến doanh thu. Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam), các đơn vị sản xuất phim tư nhân vừa làm nghệ thuật nhưng cũng vừa kinh doanh nên thường cân nhắc rất kỹ về việc gửi tác phẩm dự thi. Do đó, mặc dù BTC Cánh Diều năm nay đã cố gắng gửi giấy mời đến các nhà sản xuất, các đơn vị làm phim điện ảnh nhưng lượng phim gửi về tham dự chỉ dừng ở con số 13.
Đạo diễn Lê Hồng Chương cho hay: “Chúng ta phải tập quen dần với việc tham gia ít phim, bởi các nhà sản xuất, đạo diễn khi tham dự bất kỳ giải nào cũng phải tính toán kỹ càng. Họ căn cứ trên tiêu chí của giải mà họ tham gia, không giống như ngày xưa, phim nào cũng mang đi thi”.
Theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, hiện nay các nhà làm phim có nhiều mối bận tâm và họ có nhiều cơ hội gửi tác phẩm tham dự liên hoan phim ở nước ngoài thay vì như trước chỉ mong chờ vào giải thưởng trong nước. “Một giải thưởng cần có giá trị kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp. Còn giải thưởng theo kiểu vô thưởng vô phạt, thì sau khi đoạt giải cũng chả có điều gì khác cả”, ông Châu Quang Phước cho biết.
Vẫn đầy sạn trong Liên hoan
Ngoài các lý do về tiêu chí giải và xu hướng sản xuất phim mà BTC, nhà sản xuất đưa ra, công tác tổ chức giải Cánh Diều những năm gần đây cũng là lý do để các nhà sản xuất phim cân nhắc giữa việc sản xuất phim nghệ thuật tham gia giải hay là sản xuất phim thị trường để có doanh thu.
Còn nhớ, tại lễ trao giải Cánh Diều 2015, BTC đứng trước búa rìu dư luận với nhiều chỉ trích từ công chúng. Trên các trang mạng xã hội, người ta đưa ra những bất cập trong tổ chức từ cách dẫn của MC, cách trao giải của các vị khách mời đến phần trình diễn của một số ca sĩ. Đặc biệt, thông tin về việc Sơn Tùng M-TP và ê-kíp phim Chàng trai năm ấy không có nổi một chỗ ngồi trong đêm trao giải.
Tại giải Cánh Diều 2016, các hạt sạn trong công tác tổ chức cũng không được khắc phục, vẫn xảy ra sự cố mất điện giữa chừng, thiếu cúp giải thưởng, khán giả, nghệ sĩ bỏ về sớm, hai MC của lễ trao giải là Nguyên Khang và Hồng Ánh cũng vấp rất nhiều sai sót khi đảm nhiệm vai trò dẫn dắt lễ trao giải... Đỉnh điểm thất vọng của công chúng là việc đạo diễn Lương Đình Dũng xin trả lại bằng khen ngay sau khi kết thúc lễ trao giải vì cảm thấy không thỏa mãn với kết quả cuối cùng.
Như vậy, những hạt sạn trong công tác tổ chức của giải Cánh Diều qua hàng năm đã không được khắc phục triệt để. Các nhà sản xuất, các hãng phim có đủ lý do để đưa ra lựa chọn giữa doanh thu và danh hiệu.Với họ, danh hiệu có cũng được không cũng được, còn doanh thu cần phải có.
Đã đến lúc, BTC giải Cánh Diều cần phải thay đổi cách thức tổ chức, phải chọn được hướng đi riêng, hoặc đột phá tuyên dương những tìm tòi khác lạ về kỹ thuật dàn dựng của giới làm phim. Thậm chí, mạnh mẽ tôn vinh những ý tưởng gai góc gây tranh cãi về nội dung của từng bộ phim. Có như thế mới mong thu hút được những bộ phim có chất lượng. Lúc đó, câu chuyện giữa doanh thu và danh hiệu sẽ bị xóa nhòa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận