Hồ sơ tài liệu

Vì sao phương Tây không học cách chống Covid-19 từ các nước châu Á?

27/11/2020, 06:28

Hiệu quả của việc tuân thủ quy tắc cách ly phòng Covid-19 của người châu Á rất rõ ràng, vậy tại sao các nước phương Tây không học hỏi?

img
Người dân London, Vương quốc Anh vẫn thản nhiên tụ tập bất chấp các đợt bùng phát dịch Covid-19

Với những người dân Anh đang phải cách ly như những “tù nhân bị giam lỏng”, hình ảnh người Hàn Quốc vui vẻ tiệc tùng trong các quán karaoke là điều đáng ghen tị. Hiệu quả của việc tuân thủ quy tắc cách ly phòng Covid-19 của người châu Á rất rõ ràng, vậy tại sao các nước phương Tây không học hỏi?

Nhận ra thì đã muộn

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, ở châu Âu, trong khi người Pháp và người Anh bị cấm rời khỏi nhà, ngoại trừ lý do cần thiết thì người Hàn Quốc thường xuyên đi ăn nhà hàng, hát karaoke, đến quán bar.

Trong khi Mỹ mỗi ngày chứng kiến gần 200.000 ca mắc Covid-19 mới thì ở Việt Nam chỉ ghi nhận một ca “nhập khẩu”. Và khi hầu hết các nước phương Tây vật lộn để phục hồi sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất, Đài Loan dự kiến ​​sẽ vượt qua năm 2020 mà không gặp phải bất kỳ sự suy thoái kinh tế nào.

Sau khi thất bại trong việc xử lý giai đoạn 1 bùng phát dịch đầu năm nay, các nước châu Âu và châu Mỹ một lần nữa đang vật lộn để chống lại virus Corona chủng mới quay trở lại khi mùa đông ập đến.

Báo SCMP cho rằng, dường như các quốc gia này đang phải cam chịu chứng kiến các ca nhiễm tăng cao hoặc áp đặt lệnh phong tỏa mà chính họ từng phản đối trước đó.

Gần một năm kể từ khi Covid-19 lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, bắt đầu một cuộc thử nghiệm toàn cầu trong việc ứng phó với đại dịch, các chính phủ phương Tây vẫn không thể hoặc không muốn mô phỏng kinh nghiệm của các nước tại châu Á giúp giảm số ca tử vong, tổn thương kinh tế và cô lập xã hội.

Jeremy Rossman, một giảng viên cao cấp về virus học tại Đại học Kent, Hoa Kỳ cho biết: “Dường như có một số vấn đề liên quan đến ý chí chính trị trong việc tuân theo cách tiếp cận mà họ đã đề ra. Cũng có thể, việc thay đổi cách tiếp cận đồng nghĩa các chính phủ này thừa nhận cách thức họ đang áp dụng không mang lại hiệu quả và tình hình đủ nghiêm trọng để đòi hỏi tăng thêm nhiều nguồn lực tài chính đáng kể”.

Mặc dù nhiều nước phương Tây bắt đầu áp dụng các biện pháp được thực thi ở châu Á nhưng thực tế họ đã hành động quá muộn, chẳng hạn như việc bắt buộc đeo khẩu trang và xét nghiệm hàng loạt.

Các nhà chức trách ở Mỹ và châu Âu đã hành động quá chậm hoặc miễn cưỡng áp dụng các chiến lược mà các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đã làm tốt, chẳng hạn như truy vết, áp dụng công nghệ định dạng và thông báo các trường hợp F0, F1... Các phương pháp vốn đã thúc đẩy các nỗ lực chống dịch hiệu quả ở Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan.

Sau khi tuyên bố tránh lặp lại tình trạng đóng cửa khiến các nền kinh tế tê liệt hồi đầu năm, Pháp và Anh trong những tuần gần đây đã buộc phải áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca nhiễm tăng vọt.

Tại Hoa Kỳ, nơi các ca mắc Covid-19 mỗi ngày không giảm xuống dưới 10.000 kể từ tháng 3, một số bang đang tạm dừng hoặc đảo ngược việc mở cửa trở lại nền kinh tế tại địa phương.

Peter Collignon, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia cho biết, nhiều quốc gia phương Tây đã không sử dụng khoảng thời gian quý giá trong các đợt đóng cửa trước đó để thực hiện các biện pháp phòng và chống dịch bền vững hơn trong trung và dài hạn.

Văn hóa và chính trị tạo cản trở lớn nhất

Dù gần đây các công ty dược phẩm như Pfizer và BioNTech đã thông báo về những phát hiện tạm thời rằng vaccine của họ có hiệu quả 90%, song các chuyên gia không mong đợi việc tiêm chủng rộng rãi trong công chúng cho đến cuối năm 2021.

Ông Collignon cho rằng, khác với Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, ở Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... các quan chức y tế sử dụng quyền truy cập vào hồ sơ cá nhân, số điện thoại, thông tin thẻ tín dụng và các camera an ninh để theo dõi các liên hệ gần gũi của các trường hợp nghi nhiễm Covid-19; Cảnh báo bằng tin nhắn văn bản cho các thành viên của công chúng biết về lịch sử đi lại của các bệnh nhân ẩn danh, thậm chí công khai cả điểm đến là những doanh nghiệp và nhà hàng cụ thể.

Chiến thuật sử dụng công nghệ, kết hợp với kiểm dịch nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt và tuân thủ của công chúng đối với việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được ghi nhận là đã kiểm soát được đợt bùng phát lớn vào tháng 2, ngăn chặn sự bùng phát trở lại trên quy mô lớn kể từ đó.

Ngay cả với hơn 100 trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận hàng ngày trong những tuần gần đây, người Hàn Quốc vẫn có thể tiếp tục cuộc sống của họ như bình thường, trong khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động.

Chỉ với hơn 500 người chết, tỷ lệ tử vong trên đầu người của Hàn Quốc thấp hơn khoảng 77 lần so với Mỹ. Và so với mức suy giảm GDP 10% được dự đoán của Anh, nền kinh tế Đông Á dự kiến ​​sẽ chỉ giảm khoảng 1% vào năm 2020.

Tại Đài Loan, các nhà chức trách đã sử dụng quyền theo dõi điện thoại, phân tích dữ liệu và lịch sử đi lại để nhanh chóng xác định các trường hợp nhiễm - nghi nhiễm và thực thi các thủ tục kiểm dịch và phong tỏa chặt chẽ.

Một số nhà quan sát đã chỉ ra, văn hóa và chính trị là một trong những yếu tố tác động lớn đến việc xử lý đại dịch của Hàn Quốc và Đài Loan. Điều này cho thấy những người phương Tây theo chủ nghĩa cá nhân đã ít công tâm hơn về việc hạn chế lây lan virus và quan tâm hơn đến các tác động riêng tư.

Trong khi đó, nhiều người khác cho rằng, sự khác biệt không nằm ở các giá trị, mà là sự thiếu ý chí chính trị và sự lãnh đạo quyết đoán, đặc biệt là khi nó kết hợp với thực tế là người dân phương Tây không chỉ chấp nhận giảm bớt quyền tự do cá nhân dưới hình thức bắt đeo khẩu trang, phong tỏa và tuân thủ các lệnh giới nghiêm tạm thời.

Leslie A. Saxon, Giáo sư y khoa tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, Hoa Kỳ cho rằng, người Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận một số biện pháp được thực hiện ở châu Á, nhưng đất nước này đã phải gánh chịu hậu quả do sự hỗn loạn trong phản ứng ở cấp liên bang và vấn đề phòng dịch đã bị chính trị hóa cao độ.

“Chúng tôi đã không tận dụng một cách hợp lý, có hệ thống hiệu quả hoặc tập trung những tài năng công nghệ ở thế giới phương Tây để chống lại đại dịch”, GS. Saxon nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.