Hồ sơ tài liệu

Vì sao Singapore đặt tên hoa lan theo tên Thủ tướng và phu nhân Việt Nam?

10/02/2023, 07:59

Với Singapore, "ngoại giao hoa lan" là một cử chỉ hữu nghị thúc đẩy thiện chí, tình hữu nghị giữa Singapore và các quốc gia khác.

Sáng 9/2, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân đã dự lễ đặt tên hoa lan theo tên của Thủ tướng và phu nhân. Tên của loài hoa mới này là Papilionanda Pham Le Tran Chinh.

Lễ đặt tên cho hoa phong lan là một nghi lễ ngoại giao mà Singapore chỉ dành riêng cho những vị khách cao cấp đặc biệt đến thăm Singapore, thường là các vị đứng đầu nhà nước và đứng đầu chính phủ đến thăm chính thức.

Vì sao Singapore chọn hoa lan?

Hoa lan, thuộc họ Orchidaceae, có màu sắc rực rỡ, sức chịu đựng và khả năng phục hồi cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Do vậy, loài hoa này được chọn để thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ về Singapore. Cây lan lai, được tạo ra bằng cách lai hai giống cây bố mẹ khác nhau, phản ánh di sản đa văn hóa của Singapore và triển vọng phát triển ra toàn cầu. Cây bố mẹ thậm chí cũng có thể là cây lai.

img

Tên của loài hoa mới này là Papilionanda Pham Le Tran Chinh. Lễ đặt tên cho hoa phong lan là một nghi lễ ngoại giao mà Singapore chỉ dành riêng cho những vị khách cao cấp đặc biệt đến thăm Singapore - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, các giống lan lai sẽ được chọn để đặt theo tên của các vị lãnh đạo, người nổi tiếng và những vị khách quan trọng đến thăm Vườn Thực vật Singapore. Nghi thức này xuất hiện từ năm 1956 và ngày nay có hơn 200 loài lan được đặt tên theo các vị khách quan trọng trong Vườn Lan Quốc gia thuộc Vườn Thực vật Singapore.

Các loài lan VIP, gồm cả những loài được đặt theo tên vợ của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, được trưng bày trong Vườn lan VIP. Còn các loài lan được đặt theo tên người nổi tiếng sẽ được trưng bày tại Vườn lan Celebrity.

Loài hoa lan VIP đầu tiên là Aranthera Anne Black (Arachnis Maggie Oei × Renanthera coccinea), được đặt tên theo Quý bà Anne Black vào năm 1956. Bà là vợ của Robert Black, cựu thống đốc Singapore. Sau khi độc lập vào năm 1965, Singapore đã chính thức hóa thủ tục đặt tên cho các loài lan VIP này.

Nhân giống lan lai

Các giống hoa lan lai sẽ được tạo ra trong Chương trình lai ghép hoa lan do Vườn thực vật Singapore quản lý. Họ sẽ xem xét các đặc điểm khác nhau khi lai tạo hoa lan, chẳng hạn như hoa to và lâu tàn, số lượng hoa nhiều, có hình dáng mới...

Quá trình nhân giống lan lai bao gồm năm bước: (1) quyết định loại lan lai và sau đó tìm kiếm “bố mẹ” có đặc điểm phù hợp; (2) chuyển phấn hoa từ hoa đực sang hoa cái để thụ tinh; (3) gieo hạt lan vào môi trường nuôi cấy có chứa chất dinh dưỡng để hạt nảy mầm và phát triển thành cây con; (4) trồng cây con trong bình từ 6 - 12 tháng trước khi chuyển sang chậu trong vườn ươm; và (5) chờ cây ra hoa, thường mất từ hai đến ba năm để trồng lan ra chậu.

img

Cận cảnh hoa lan Papilionanda Pham Le Tran Chinh

Lan lai mất khoảng từ hai đến sáu năm để ra hoa kể từ ngày được lai từ bố mẹ. Ví dụ, loài lan Aranda Lee Kuan Yew (lai từ hai giống Arachnis hookeriana × Vanda Golden Moon), được đặt theo tên của Thủ tướng sáng lập Singapore khi ông qua đời vào năm 2015, mất tới 4 năm để nở hoa sau khi thụ phấn hai giống lan bố và mẹ.

Ông Yam Tin Wing, nhà nghiên cứu cao cấp về nhân giống hoa lan tại Vườn Thực vật Singapore cho biết:

"Chỉ có 10% hoa lan lai được phát triển “thích hợp để sử dụng trong các nghi lễ đặt tên.

Việc lai tạo lan giống như chờ đợi một đứa trẻ chào đời, bạn không biết nó sẽ trông như thế nào, hoặc nó sẽ có những đặc điểm gì. Một số loài lan có thể trông đẹp, nhưng thân cây yếu ớt. Những cây khác có thể phát triển tốt nhưng lại không có hoa.”

Nhằm đảm bảo luôn có sẵn các giống phong lan lai để đặt tên theo các nhân vật quan trọng, Vườn Thực vật Singapore lưu trữ hàng trăm giống lan lai đã nở hoa nhưng vẫn chưa được đặt tên. Theo thông tin của tờ Straits Times năm 1984, một số loài lan có thể phải chờ tới 1 thập kỷ mới được đặt vì chúng nở hoa vào thời điểm không có nhân vật cấp cao, người nổi tiếng đặc biệt đến thăm. Nhưng một số ít loài lan may mắn được đặt tên trong lần nở hoa đầu tiên.

Quy trình chọn lan để đặt tên

Quá trình chọn lan để đặt tên cũng rất cầu kỳ. Vườn Thực vật Singapore sẽ nhận được hồ sơ về vị khách này và dựa trên thông tin đó để lựa chọn một số loài lan phù hợp.

Sau đó, họ gửi các đề xuất tới Bộ Ngoại giao và đại diện của các vị chức sắc đến thăm.

Ông Simon Tan, Trợ lý Giám đốc Vườn lan Quốc gia từng cho biết: “Bộ Ngoại giao sẽ khuyến nghị với Vườn về các màu sắc cấm kỵ và các màu ưa thích. Vườn Thực vật Singapore sau đó sẽ chọn hoa lan theo các yêu cầu này”.

Singapore cũng rất cẩn thận trong việc lựa chọn một loài phong lan phù hợp với các quan chức. Ví dụ, loài lan Paravanda Nelson Mandela, được đặt theo tên nhà lãnh đạo chống phân biệt chủng tộc và là Tổng thống của Nam Phi khi ông đến thăm Singapore vào tháng 3/1997, có màu vàng lục sáng pha chút đỏ, giống như màu của lá cờ Nam Phi. Loài lan này đã đoạt giải nhì tại Hội Hoa lan Thế giới lần thứ 18 được tổ chức tại Pháp vào tháng 3 năm 2005.

img

Hoa lan Paravanda Nelson Mandela. Ảnh - Vườn Quốc gia Singapore

Một ví dụ khác là loài lan Dendrobium Memoria Princess Diana, được đặt tên vào ngày 22/9/1997, một tháng sau khiCông nương Diana qua đời có màu trắng thể hiện sự “vương giả”, đồng thời phản ánh những nỗ lực thúc đẩy hòa bình của cố Công nương xứ Wales. Bông hoa cũng có một chút màu hồng trên cánh hoa biểu trưng cho sự ấm áp và dễ gần, giống như tính cách của Công nương”.

Các nhân vật quan trọng cũng có thể góp ý về loài phong lan sẽ được đặt theo tên của họ. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã đích thân chọn cây lan mình thích trong chuyến thăm tới Singapore vào tháng 4/1985. Khi Thái tử Nhật Bản Naruhito (nay là Nhật hoàng) kết hôn với bà Masako Owada vào tháng 6/1993, Tổng thống Singapore khi đó là Wee Kim Wee đã tặng cặp đôi hoàng gia một cây phong lan và dùng chuyên cơ chở tới Tokyo để kỷ niệm lễ cưới. Cây lan đó cũng do chính Thái tử phi Masako tự tay lựa chọn.

Sau khi một loài lan được đặt tên, nó sẽ được đăng ký với Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia ở London, cơ quan đăng ký quốc tế cho các giống lan lai. Những khách VIP sẽ được trao giấy khai sinh chính thức của cây lan, với các chi tiết như bố mẹ của cây lai, ngoại hình, ngày thụ phấn và ra hoa, và trong một số trường hợp, họ cũng được giữ lại cây lan đó. Nếu các khách VIP muốn trồng lan cùng tên với họ ở quê nhà, Vườn Thực vật Singapore sẽ cung cấp cây chiết có hoa kèm hướng dẫn chăm sóc lan.

Singapore đi đầu trong việc trồng lan

Singapore nổi tiếng về trồng lan từ những năm 1950. Sau khi nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, doanh nhân kiêm luật sư Tan Hoon Siang, người sau này trở thành Chủ tịch của Hiệp hội hoa lan Malayan (Hội hoa lan Đông Nam Á ngày nay), đã nhân giống thành công một loài lan lai và đưa Singapore lên bản đồ trồng lan thế giới. Những hạt lan này sau đó được gieo trong Vườn Thực vật Singapore vào năm 1949 và ra hoa vào năm 1952.

Ông Tan đặt tên cho loài hoa này là Papilionanda Tan Chay Yan (trước đây gọi là Vanda Tan Chay Yan) theo tên người cha quá cố của ông. Loài hoa này có màu hoa cà và đã nhận được Giấy chứng nhận hạng nhất từ Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia tại Triển lãm hoa Chelsea năm 1954. Loài hoa lan này đã thu hút được sự chú ý của những người trồng lan trên khắp thế giới và nhiều người đã đến xem lan ở Singapore. Bản thân ông Tan cũng có một loài lan được đặt theo tên ông là loài Papilionanda Tan Hoon Siang, một giống lan lai giữa Papilionanda Josephine van Brero và Vanda Somsri Pink.

Kể từ đó, Singapore đã trở nên nổi tiếng với chuyên môn về nhân giống hoa lan. Vườn Thực vật Singapore đã tăng cường việc mua lại các loài và giống lai mới, đồng thời thiết lập một ngân hàng hạt giống để bảo tồn di truyền của những loài lan này. Những nỗ lực này giúp duy trì tính liên tục của “ngoại giao hoa lan” và sự phong phú của lan laitrong Vườn Lan Quốc gia.

Mặc dù một số người có thể muốn trồng các loài lan được đặt theo tên của nguyên thủ hay người nổi tiếng họ yêu thích, nhưng những cây này không phải để bán. Chính phủ Singapore đã giải thích: “Việc đặt tên cho các loài lan là một cử chỉ thiện chí và thể hiện tình bạn. Mỗi cây lan được đặt tên là dành riêng cho cá nhân đó và không phải để bán. Đây là điều làm cho hoa phong lan trở nên quan trọng và đặc biệt. Do đó, cách duy nhất để chiêm ngưỡng những bông hoa xinh đẹp này là đến thăm Vườn Lan Quốc gia”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.