Có trường hợp được nâng 29,95 điểm!
Dư luận vừa xôn xao chia sẻ bảng điểm của các thí sinh gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang. Trong đó có điểm thực (điểm được chấm thẩm định) và điểm được công bố, với mức chênh điểm rất lớn.
Ngày 10/4, trao đổi với PV Báo Giao Thông, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Những thông tin lan truyền trên mạng xã hội không phải là thông tin chính thống. Tuy nhiên, việc chấm thẩm định bài thi trên Hà Giang thực chất được đoàn kiểm tra của Bộ họp báo công bố từ tháng 7/2018".
Đồng thời, thực hiện quy chế thi THPT quốc gia năm 2018, Hội đồng chấm thẩm định quyết định, kết quả chấm thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang công bố ngày 11/7/2018.
Kết quả chấm thẩm định được công bố trước đó có 102 bài thi Toán đã chênh từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);
Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm); Có 8 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);
Có 3 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có điểm đã công bố chênh so với kết quả thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm, cá biệt trường hợp tổng điểm được can thiệp tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Danh tính thí sinh: Chỉ công khai khi cần thiết?
Trước những “băn khoăn” vì sao từ năm 2018, việc tra cứu điểm thi chỉ hiển thị điểm số và số báo danh mà không hiển thị danh tính thí sinh; liệu có liên quan đến tiêu cực, ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Không có chuyện liên quan đến tiêu cực”.
Lý giải vì sao thông tin tra cứu điểm như hiện nay, ông Trinh cho hay, việc công bố kết quả thi gắn liền với sự phát triển của đất nước, phát triển khoa học công nghệ và điều chỉnh của pháp lý. Ông Trinh dẫn chứng, thế hệ 5x, 6x, 7x cứ sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp, nhà trường dán bảng điểm hay còn gọi là kéo bảng. Trước kết quả đó, có bạn cười, bạn khóc vì xấu hổ. Sau này, với kết quả kỳ thi ĐH, CĐ thì mỗi thí sinh được phát phiếu báo điểm….
Tuy nhiên, hiện công nghệ thông tin phát triển, nên việc quản lý dữ liệu thi cử bằng phần mềm, tra cứu cơ sở dữ liệu; đồng thời chi phối bởi nhiều điều luật như điều 13 của Hiến Pháp, điều 26 của Luật Hình sự, quyền trẻ em, trong đó có phần liên quan đến các thông tin cá nhân… Hơn nữa, theo thông lệ Quốc tế những điều liên quan đến cá nhân người ta hạn chế và chỉ công khai thi thấy cần thiết.
“Do vậy, truy cập hệ thống quản lý phần mềm quản lý điểm, các thí sinh có tài khoản cá nhân đăng nhập qua chức năng tra cứ sẽ xem được điểm, số báo danh. Việc này đảm bảo các mục tiêu nhanh gọn chính xác, thí sinh có thể tra cứu bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào và bảo đảm thông tin cá nhân của mỗi thí sinh…”, ông Trinh nói.
Nhận định về việc xử lý hậu vi phạm về gian lận điểm thi, ông Trinh cho biết: “Cả hai địa phương Hòa Bình và Sơn La thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Bộ GD& ĐT, phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý chất lượng, Vụ GDĐH, cục Đào tạo Bộ công An, Bộ Quốc phòng và các trường ĐH. Riêng Hòa Bình cơ bản đã giải quyết xong, điểm đã được thông báo đến các trường liên quan. Mới đây, Bộ Công an đã trả về Hoà Bình 28 thí sinh gian lận điểm thi. Tôi cho rằng đây là cách làm kịp thời, đúng quy chế và tinh thần quyết liệt trong chống tiêu cực".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận