Chuyện dọc đường

Vì sao trái cây hay ùn ứ tại cửa khẩu, phải đổ bỏ?

07/01/2022, 06:33

Nông sản, trái cây ùn ứ tại cửa khẩu mà không phải là loại hàng hóa khác, vì sao?

Trong khi hầu hết các loại hàng hóa tiêu dùng được tự do thông thương thì các loại trái cây cần được chính quyền mỗi nước cho phép mới được nhập khẩu. Lý do là cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn kiểm dịch.

img

Hàng trăm container nông sản vẫn đang ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam, đó là: Xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt.

Tức là chỉ 9 loại trái cây trên được nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hữu Nghị. Còn vú sữa, sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, khoai lang... buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ.

Phía Trung Quốc có điều tiết rõ ràng thông qua chính sách thuế phí, theo đó trái cây nếu không đi qua cửa khẩu Hữu Nghị thì phải đi qua cửa khẩu phụ Tân Thanh. Thương nhân Trung Quốc tập trung ở đó để nhận hàng, phía Việt Nam muốn giao ở cửa khẩu phụ khác cũng khó.

Gọi là xuất khẩu, nhưng hình thức bán trái cây tiểu ngạch giống như ở chợ huyện. Xuất khẩu mà chưa biết người mua hàng bên kia biên giới là ai. Một xe chở sầu riêng khi qua cửa khẩu Tân Thanh sẽ được thương lái Trung Quốc đến xem, mặc cả, quả tốt thì lấy, quả nào thối thì vứt lại...

Cách mua bán nhiều yếu tố rủi ro như thế nên vào mùa trái cây chín rộ, hàng đưa lên dồn dập là ùn ứ. Có khi tập kết cả nghìn xe trong khi năng lực thông quan chỉ khoảng 250 - 300 xe mỗi ngày. Hàng hóa ứ đọng hai ba tuần, đương nhiên phải đổ bỏ. Đó là chưa nói đến các lý do khác như siết chặt kiểm dịch.

Câu chuyện này nhiều người đã biết, nhưng thay đổi thế nào?

Thử nhìn sang một mặt hàng nông sản khác là gạo. Hiện, có khoảng 200 thương nhân đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Họ phải là doanh nghiệp có bộ máy kinh doanh đủ trình độ để tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng... nói cách khác là xuất khẩu chính ngạch.

Tương tự, xuất khẩu thủy sản dù không có hạn chế gì nhưng thông thường cũng phải là những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn mới có thể tham gia và họ chỉ giao hàng khi đã có hợp đồng, người mua rõ ràng.

Như vậy, với mặt hàng trái cây, một mặt cần tập huấn cho người nông dân, doanh nghiệp nhỏ thiết lập quan hệ khách hàng lâu dài với đối tác bên kia bên giới để tránh tình trạng mua bán “được chăng hay chớ” thì mặt khác rất cần có những doanh nghiệp lớn, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, biết truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu.

Cũng chính những doanh nghiệp đó sẽ đủ năng lực để ký hợp đồng với các nhà phân phối ở nước ngoài, sử dụng phương thức vận chuyển quy mô lớn như đường biển, đường sắt để tối ưu chi phí. Những doanh nghiệp như vậy đã có nhưng số lượng chưa nhiều.

Hiện nay, rất cần chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân, thương lái. Bài học tiêu thụ vải của Bắc Giang, Hải Dương, xoài, nhãn của Sơn La là những minh chứng rất rõ. Một khi chính quyền đồng hành cùng nông dân thì việc tiêu thụ nông sản không phải là quá khó khăn.

Đương nhiên, cũng còn rất nhiều việc phải làm. Một việc cấp bách là đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh sách trái cây được nhập khẩu.

Cần phải lưu ý, cửa khẩu là một hạ tầng hết sức trọng yếu trong chuỗi logistics quốc tế. Các cửa khẩu của ta thường nằm ở địa hình núi đồi, diện tích mặt bằng hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc mở rộng hạ tầng cửa khẩu, cần phải xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa.

Các trung tâm này không chỉ có kho mát, kho lạnh bảo quản, sơ chế nông sản mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa. Hàng sau khi thông quan chỉ việc niêm phong, xuất thẳng qua biên giới, giảm bớt quy trình làm thủ tục tại cửa khẩu.

Được như vậy sẽ bớt đi những giọt nước mắt, những tiếng thở dài của người nông dân mỗi mùa trái cây vào vụ.

Trần Thanh Hải

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.