Khi cửa khẩu phía Bắc bị đóng, nông sản ùn ứ, phát sinh tiêu cực của một số cán bộ để thông quan nhanh cho những người chịu chi tiền.
Và người ta lại nói đến sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, cần phải đa dạng hóa thị trường trong tương lai….
Do tắc cửa khẩu, nhiều container chở thanh long phải quay đầu về tiêu thụ ở thị trường nội địa, bán rẻ như cho vẫn không có người mua
Có thể nhìn riêng từ chuyện trái thanh long - loại trái cây vốn không được ưa chuộng ở các nước châu Âu và Mỹ.
Ngay cả khi đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe, thì lượng xuất khẩu sang các nước này cũng không nhiều. Và nếu có thì cũng chỉ phục vụ cho cộng đồng người châu Á sinh sống tại các quốc gia đó.
Như vậy, thanh long chỉ được người châu Á ưa chuộng. Và Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều thanh long, khiến các chủ vựa Việt Nam luôn tìm mọi cách đưa trái thanh long sang đó, bất chấp phải chung chi…
Đối với Trung Quốc, người dân họ có đời sống tín ngưỡng rất phong phú và đa dạng. Họ thường xuyên cúng kiếng và thanh long luôn là lựa chọn số 1, vì trái to, đẹp, nhìn uy mãnh như rồng.
Cũng chính vì vậy, thanh long được Trung Quốc tiêu thụ rất mạnh. Cần phải nhìn nhận đây là thị trường lớn, ngay cạnh chúng ta.
Do dùng để cúng kiếng nên người Trung Quốc đòi hỏi mẫu mã thanh long phải đẹp. Từ đây, quy trình trồng thanh long ở nước ta mới phát sinh ra một nghề, gọi là “vuốt thanh long”.
Người làm sẽ dùng tay vuốt các sợi thanh long để làm sao trái thanh long có hình dáng đẹp nhất: đầu đỏ, tay xanh, đuôi dài như rồng, phượng… Mỗi nhân công được trả 40.000 đồng/giờ để… vuốt.
Điều này cho thấy trái thanh long được sản xuất để nhắm đến nhu cầu và thị hiếu của người Trung Quốc, chứ không nhắm đến thị trường nội địa. Bởi tâm lý của người Việt Nam chỉ đơn giản là mua thanh long để ăn, không cần mẫu mã đẹp.
Ngay từ đầu, thanh long được xác định là trồng số lượng lớn để bán sang Trung Quốc, nên mới có chuyện phải thuê người vuốt thanh long; đồng nghĩa với việc tăng chi phí sản xuất, đầu vào.
Do đó, trái thanh long chỉ có lời khi xuất khẩu được sang Trung Quốc. Còn ở trong nước, giá bán cao chắc chắn sẽ không tiêu thụ được.
Bởi vậy, khi phát sinh chuyện phải chung chi để đưa được trái thanh long sang Trung Quốc, người trồng thanh long càng thêm buồn tủi và phẫn nộ. Chúng ta tự làm hại nhau sao? Trong khi nhiều nông dân một nắng hai sương chỉ có thị trường Trung Quốc để lựa chọn…
Về vận chuyển, nếu so sánh, việc vận chuyển nông sản qua các nước phương Tây sẽ mất rất nhiều thời gian thông qua tàu biển, dẫn đến nhiều rủi ro, doanh nghiệp bị “chôn vốn”…
Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy, chúng ta đã nắm bắt được nhu cầu thị trường của Trung Quốc, thậm chí là đáp ứng được thị hiếu nhỏ nhất, như vuốt trái thanh long chẳng hạn.
Vấn đề là phải làm sao để không còn chuyện ách tắc cửa khẩu, nông sản không còn bị dội chợ, rớt giá như hiện nay.
Trên thực tế, thị trường Trung Quốc không hề dễ tính như người ta vẫn nghĩ. Họ vẫn có những tiêu chuẩn rất khắt khe. Sở dĩ trái thanh long Việt Nam được ưa chuộng hơn Thái Lan vì mẫu mã đẹp hơn, song chất lượng lại không đồng đều.
Hiện nay, thanh long được trồng đại trà và rất dễ dàng. Về lâu dài, cần có sự can thiệp của Nhà nước để hoạch định lại các vùng trồng thanh long, thậm chí nếu cần thiết chỉ cho phép trồng thanh long ở những vùng được quy hoạch.
Ở đó, thanh long sẽ được trồng với những kỹ thuật công nghệ cao, đầu tư bài bản… Khi sản phẩm có chất lượng tốt nhất thì dù có bán ở thị trường nào cũng không còn là vấn đề nan giải.
Về lâu dài, cần khuyến cáo nông dân nên trồng rải vụ, không nên tập trung quá lớn vào một thời điểm và đặc biệt là không nên tập trung vào quy trình, cũng như phương thức trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc; nhằm hướng đến thị trường nội địa…
Nguyễn Quốc Trịnh
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận