Quy hoạch giao thông thân thiện với trẻ
Ông Hironori Kato, giáo sư về quy hoạch giao thông tại Đại học Tokyo cho biết, ở Nhật Bản, nhiều trẻ em tự đi bộ đến các trường học ở khu vực lân cận, đó là điều khá bình thường. Bởi lẽ, đường sá và mạng lưới đường phố tại Nhật Bản được thiết kế để trẻ đi bộ một cách an toàn.
Về quy hoạch đô thị, các điểm đến mà trẻ cần tới cũng được quy hoạch rất gần nơi ở của các em. Theo trang Slate, trẻ em Nhật Bản đi bộ rất nhiều trong các ngày trong tuần - đặc biệt là những trẻ từ 7 - 12 tuổi. Các em đi bộ 4 - 5 lần trong tuần.
Đường phố tại các khu đô thị Nhật Bản cũng có sự khác biệt so với nhiều nơi khác. Có rất nhiều tuyến phố nhỏ không có vỉa hè và người đi bộ, đi xe đạp và người điều khiển các phương tiện khác đi chung đường. Bãi đậu xe ở lề đường cũng rất hiếm, điều này tạo ra tầm nhìn tốt hơn cho người lái xe và người đi bộ.
Công viên giao thông tại Nhật Bản. Ảnh: Top Gear
Nếu trẻ em cần sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, Nhật Bản cũng có một hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng có chất lượng cao. Các chuyến tàu đều đặn và đúng giờ cũng giúp các em nhỏ dễ dàng tính toán các chuyến đi của mình.
Thêm vào đó, các trường học ở Nhật Bản hiếm khi vận hành xe buýt, vì sẽ tốn thêm chi phí và các tuyến đường di chuyển cũng tương đối phức tạp. Nhiều trường tư thục cấm phụ huynh đưa đón con bằng ô tô. Tại Nhật Bản, việc trẻ em tự tìm giải pháp cho vấn đề của mình đã trở thành một chuẩn mực văn hóa.
Ông Owen Waygood, một giáo sư tại Montréal Polytechnique, người có luận án tiến sĩ tại Đại học Kyoto về các chuyến đi của trẻ em, cũng chia sẻ: “Các bậc cha mẹ Nhật Bản tin rằng trẻ em có thể tự đi lại. Các thành phố của Nhật Bản được xây dựng dựa trên quan điểm rằng mọi khu phố phải đóng vai trò như một ngôi làng, tạo ra các điểm đến gần gũi - nơi những đứa trẻ có thể đi bộ đến”.
Đẩy mạnh giáo dục và hỗ trợ từ cộng đồng
Trong khi tạo môi trường thuận lợi cho các em nhỏ có thể tự di chuyển, Chính phủ Nhật Bản cũng quan tâm đến việc giáo dục trẻ em về giao thông và an toàn đường bộ.
Theo trang Top Gear, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã yêu cầu các trường học đưa nội dung an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy.
Để hỗ trợ nỗ lực này, những công viên giao thông cũng được mở trên khắp Nhật Bản. Những công viên này được thiết kế với nhiều vật liệu trực quan bao gồm đèn giao thông và biển báo có thể di chuyển được.
Trẻ em ở Nhật Bản tự mình đi lại trên các phương tiện công cộng
Ngoài ra, còn có các thiết bị như ô tô nhỏ và xe đạp cho trẻ em để giúp dạy chúng cách cư xử đúng đắn khi tham gia giao thông trên đường.
Đến nay, các công viên giao thông vẫn được các trường sử dụng thường xuyên. Trên thực tế, hiện có hơn 100 công viên như vậy trên khắp Nhật Bản.
Theo trang The Wire, để hỗ trợ các em nhỏ khi tham gia giao thông, các trường học cũng phát một miếng dán màu vàng đặc biệt dành cho học sinh lớp một để dán trên đồng phục, giúp xác định các em là những người mới đi học khi ở ngoài đường.
Người lớn đặc biệt chú ý đến những em mặc đồ có miếng dán này. Các hộ gia đình cũng treo các biển báo bên ngoài nhà của họ để tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ cho bất kỳ trẻ em nào gặp nạn.
Niềm tin vào cộng đồng
Nghiên cứu của Waygood cũng tiết lộ rằng trẻ em ở Nhật Bản có khả năng đi lại độc lập hơn trong các khu dân cư đô thị hóa.
Theo Waygood, trẻ em được dạy để chào những người mà chúng gặp qua trên đường. Đây là một phần của văn hóa chào hỏi Nhật Bản, được gọi là aisatsu.
Cùng với các sự kiện cộng đồng như tiệc tùng và lễ hội, văn hóa chào hỏi này góp phần xây dựng một mạng lưới xã hội có thể giúp các em nhỏ trong tình huống khó khăn. Trong một cuộc khảo sát ở 14 quốc gia, các bậc cha mẹ Nhật Bản đứng thứ nhất về tỷ lệ đồng tình với ý kiến người lớn trong khu phố nên để ý đến con cái của người khác.
Với niềm tin như vậy, các bậc cha mẹ đã bắt đầu đào tạo con nhỏ tự lập từ sớm. Theo trang The Wire, ở Nhật Bản, trẻ em bắt đầu tự đi học từ lớp một của trường tiểu học, khi chúng được khoảng 6 tuổi.
Những đứa trẻ theo học các trường công lập trong khu vực mà chúng sống sẽ đi bộ đến trường. Còn những đứa trẻ đăng ký học tại các trường tư thục, thường nằm ở những khu vực xa hơn, sẽ đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt, hoặc sử dụng cả hai.
Quá trình đào tạo cho cuộc hành trình này bắt đầu khi trẻ em còn học mẫu giáo, khi chúng quan sát các anh chị của chúng tự đi một mình. Cha mẹ chỉ cho trẻ cách băng qua đường một cách an toàn và chỉ ra những nơi trẻ có thể đến để được giúp đỡ nếu gặp khó khăn.
Anh Daichi Ushiki, 25 tuổi, đang làm việc trong một công ty ở Tokyo, chia sẻ với The Wire rằng, những lời dạy như vậy đã hằn sâu trong đầu anh. Nên trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, anh luôn nhớ rằng có thể đến một cửa hàng tiện lợi như Seven Eleven để yêu cầu giúp đỡ.
Trong một bài báo trên Tạp chí The Atlantic, Dwayne Dixon, một nhà nhân chủng học chuyên nghiên cứu về giới trẻ Nhật Bản, cũng nói rằng: “Trẻ em Nhật Bản được học từ sớm rằng bất kỳ thành viên nào trong cộng đồng đều có thể phục vụ hoặc giúp đỡ người khác”.
Sau những nhận thức này, trẻ em cũng không muốn mẹ hoặc người lớn khác đi cùng mình đến trường. Trang The Wire đã dẫn chia sẻ của Maho Furuya về con trai của cô. Ngay khi bắt đầu vào lớp một, cậu con trai 6 tuổi của Maho Furuya đã nói với cô rằng cậu bé không muốn mẹ đi theo mình.
Theo một nghiên cứu, trẻ em Nhật Bản 10 và 11 tuổi chỉ thực hiện 15% các chuyến đi trong tuần với cha mẹ, so với 65% các chuyến đi của trẻ em Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận