Singapore chuyển mình thành một quốc gia phát triển, giàu có nhất thế giới |
Tạp chí National Interest có bài phân tích của giáo sư Niv Horesh, người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Durham (Anh quốc) lý giải vì sao đảo quốc Singapore lại trở thành quốc gia truyền cảm hứng cho nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc (TQ).
Trong suốt hơn 67 năm lịch sử kể từ khi thành lập nhà nước đến nay, TQ chỉ duy nhất 2 lần coi trọng và học tập các quốc gia nước ngoài trong quá trình xây dựng và phát triển của mình. Đầu những năm 1950, TQ đưa mô hình của Liên Xô (cũ) vào thành lập thể chế chính trị, tuy nhiên, đến năm 1969 Liên Xô (cũ) và TQ bước vào thời điểm miệng hố chiến tranh do xung đột về ý thức hệ và tranh chấp lãnh thổ.
Chuyến thăm dấu mốc
Bẵng đi một khoảng thời gian dài, năm 1978, Chủ tịch TQ khi ấy là ông Đặng Tiểu Bình có chuyến thăm đến Singapore. Kể từ đây, các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh bắt đầu quan tâm và coi quốc đảo Singapore là một hình mẫu trong phát triển kinh tế.
Khi có mặt ở Singapore, ông Đặng đã chứng kiến một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh, điều đặc biệt là đất nước này chủ yếu do những người gốc Hoa điều hành. Giáo sư Horesh cho rằng, cấu trúc nền kinh tế TQ dưới thời ông Đặng chủ yếu tập trung vào nông nghiệp, mới bắt đầu manh nha vay mượn mô hình kinh tế từ các nước cùng khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, thời kỳ hậu chiến.
Tuy nhiên, Nhật Bản, một trong những cường quốc kinh tế đẳng cấp thế giới lại chưa bao giờ trở thành nguồn cảm hứng cho TQ học theo dù người TQ trước đây có cảm giác ganh tị với các điều kiện, tiêu chuẩn sống khá cao ở Nhật Bản. Điều này có thể xuất phát từ cảm giác “ghét Nhật” sau chiến tranh khi quân đội Phát xít Nhật đã có thời xâm chiếm và đô hộ TQ.
Nền văn hóa của TQ cũng có rất nhiều điểm tương đồng với văn hóa Hàn Quốc và đảo Đài Loan nhưng những quốc gia, vùng lãnh thổ này chưa bao giờ được các nhà lãnh đạo TQ coi là hình mẫu. Sở dĩ có điều này cũng xuất phát từ vấn đề lịch sử chiến tranh. Với Hàn Quốc là di sản chiến tranh Triều Tiên, với đảo Đài Loan là vấn đề chủ quyền, chính trị.
Trong quá khứ, dưới cái nhìn của các nhà lãnh đạo TQ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan như những “con rồng nhỏ” đang bay lượn, phô diễn sự hoành tráng trước một TQ rộng lớn chưa phát triển. Đáng chú ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan đã đi theo con đường dân chủ hóa hoàn toàn từ những năm 80, 90.
Điểm sáng Singapore
Với Singapore, TQ nhận thấy quốc đảo này không cần đi theo mô hình dân chủ dập khuôn giống như những gì Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm. Đảng “Hành động của nhân dân” vẫn đang thống trị Singapore kể từ 1965. Vì lý do đó, TQ luôn coi thành tích và kinh nghiệm của họ là một trong những kiến thức mà các nhà lập pháp TQ cần học tập.
Khi Singapore bắt đầu tách ra từ liên bang Malaysia năm 1965, các nhà lãnh đạo của nước này đã rất lo lắng. Họ sợ rằng hòn đảo bé nhỏ không thể tồn tại lâu với tư cách độc lập trong bối cảnh chính trị khu vực châu Á hậu thực dân vốn còn đầy khó khăn và hỗn độn.
Giữa thập niên 60, thu nhập bình quân theo đầu người (GDP per capita) ở Singapore chỉ tương đương với GDP đầu người của Mexico. Tuy nhiên, đến 1990, GDP tính theo đầu người bắt đầu tăng lên 13.000 USD, vượt qua thu nhập của người Hàn Quốc, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày nay, GDP của dân Singapore đạt 56.000 USD, đưa quốc đảo nhỏ bé này trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, đặc khu hành chính Hồng Kông của TQ cũng không thể so sánh.
Với các nhà lãnh đạo TQ, Singapore giống như “một giấc mơ có thật” bởi quốc đảo này đã chuyển mình khi rũ bỏ được xiềng xích thực dân, từ khó khăn trăm bề đến vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” sau đó vươn lên trở thành một nước giàu có. Singapore cũng không cần chế độ dân chủ hoàn toàn trong khi vẫn luôn được Mỹ hỗ trợ về mọi mặt.
“Cơn sốt Singapore” hiện vẫn đang lan tỏa ở TQ, đặc biệt ở trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao bất chấp thực tế là giữa Singapore và TQ có sự khác biệt rất lớn về kích thước lãnh thổ và hệ thống hiến pháp, thể chế chính trị.
Không giống như TQ dưới thời lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình, Singapore ngay từ khi độc lập đã thừa hưởng một nền tảng pháp luật kiểu Anh vốn luôn coi trọng tự do kinh doanh và sở hữu tư nhân.
Các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận Singapore có một hệ thống quản trị hiệu quả. Hệ thống viên chức nhà nước của Singapore được trả lượng rất cao, đội ngũ quan chức có điều kiện để miễn dịch trước căn bệnh tham nhũng.
Trong khi đó, ở TQ chưa có được điều này. Dù Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vẫn đang thi hành chiến dịch diệt trừ tham nhũng một cách quyết liệt, chính phủ TQ cũng đã tăng lương tương ứng với mức lương của công chức Singapore hiện nay nhưng nạn tham nhũng, hối lộ vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn.
Điều gì hấp dẫn Trung Quốc ở Singapore?
Hiện tượng “hình mẫu Singapore” thường xuyên được nhắc đến trong các bài diễn văn, phát biểu của các quan chức TQ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Chính quyền của ông Tập muốn trao cho “đòn bẩy thị trường” vai trò lớn hơn trong điều tiết phân phối hàng hóa cũng như tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh từ tiếp cận tập trung sang hoạch định và thi hành chính sách – những kinh nghiệm đã được Singapore áp dụng rất thành công.
Các nhà cải cách TQ rất tâm đắc mô hình của một tập đoàn đầu tư của Singapore đang thành công hiện nay là Temasek Holdings (Tập đoàn thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore) 100% vốn sở hữu của Bộ Tài chính Singapore. Tổng giám đốc điều hành là bà Ho Ching, phu nhân của đương kim Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lý Hiển Long.
Ông Lý Quang Diệu, nhà lập quốc có nhiều công lao to lớn ở Singapore cũng đã từng đóng vai trò “gia sư” cho nhiều nhà lãnh đạo thành công ở TQ, đặc biệt là vai trò trung gian kết nối giữa TQ quốc và các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Mỹ.
Thủ tướng Singapore hiện nay là ông Lý Hiển Long, con trai của ông Lý Quang Diệu cũng thừa hưởng tầm nhìn, kinh nghiệm chiến lược của cha. Năm ngoái, Singapore dưới sự lãnh đạo của ông Long đã sắp xếp một cuộc gặp mặt chưa từng có trong lịch sử giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo đảo Đài Loan khi đó là ông Mã Anh Cửu.
Sự kiện này cũng đã chứng minh Singapore, một đất nước tuy nhỏ bé nhưng kinh tế phát triển, có thể đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải, thúc đẩy hợp tác, ngăn chặn đổ vỡ cho bất cứ điểm nóng, chia rẽ nào ở khu vực. Đó là sức mạnh mềm TQ cũng muốn có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận