Hồ sơ tài liệu

Vì sao Trung Quốc coi công nghệ là trụ cột chiến lược quốc gia?

02/12/2020, 06:03

Trung Quốc đã lột xác nhờ tự chủ công nghệ khiến quốc gia này tự tin, thẳng thừng trừng phạt lại Mỹ.

img
Một triển lãm về rô-bốt thông minh tại Bắc Kinh

Từ tháng 12 này, Trung Quốc chính thức áp dụng Luật Kiểm soát xuất khẩu bổ sung, siết chặt quy định và mở rộng danh sách kiểm soát trên nhiều mặt hàng, bao gồm các loại công nghệ nhạy cảm.

Đây được coi là đòn “trả đũa” của chính quyền Bắc Kinh với những rào cản mà Mỹ đặt ra cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Điều gì khiến Trung Quốc tự tin, thẳng thừng trừng phạt lại Mỹ về công nghệ?

Lột xác nhờ tự chủ công nghệ

Trong quá khứ, nói đến công nghệ, người ta thường nghĩ ngay tới Mỹ và khu vực châu Âu nhưng vài năm gần đây, Trung Quốc nổi lên như một đối thủ công nghệ đáng gờm.

Từ một nước nổi tiếng về sao chép công nghệ, đạo nhái ý tưởng, Trung Quốc trên đà vươn lên dẫn đầu về công nghệ (điển hình là kỹ thuật 5G, trí thông minh nhân tạo…), không ngần ngại áp lệnh trừng phạt với đối thủ.

Đến Trung Quốc, nhiều người không khỏi choáng ngợp trước sự hiện đại, thông minh nhờ ứng dụng công nghệ triệt để vào đời sống. Sự hiện đại được cảm nhận từ những hoạt động nhỏ nhất như đi chợ, đi đám cưới không còn cần cầm theo tiền mặt/phong bì, những chuyến đi nhanh chóng bằng tàu siêu tốc, robot thay con người làm dịch vụ…

Sự lột xác này có được là nhờ chính sách quyết tâm tự chủ về công nghệ, không phụ thuộc phương Tây mà Chính phủ Bắc Kinh chú trọng nhiều năm nay.

Gần đây nhất, trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, hoạch định chiến lược 5 năm lần thứ 12 (2021 - 2025), những quan chức hàng đầu của Bắc Kinh đã vạch ra định hướng: Trong vòng 15 năm tới, tự chủ công nghệ kỹ thuật sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu.

“Sáng tạo là yếu tố cốt lõi trong chiến lược hiện đại hóa toàn quốc. Đưa tự chủ công nghệ trở thành trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Dự kiến khoảng đầu năm sau, chi tiết chính sách công nghệ tự chủ này sẽ được công bố cụ thể.

Ba lý do chính

Động lực khiến chính quyền Bắc Kinh quyết tâm xúc tiến bằng được chiến lược tự chủ công nghệ, hạn chế phụ thuộc vào Mỹ chính là từ khi nước này rơi vào cuộc chiến thương mại và công nghệ với Washington.

Trong đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra nhiều đòn đau, hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Trung Quốc, trừng phạt các tập đoàn công nghệ lớn của Bắc Kinh như Huawei và Tập đoàn đa quốc gia SMIC vì nhiều lý do như lo ngại an ninh quốc gia…

Ông Mu Sen, Phó giám đốc về Thiết kế đến từ Hệ thống Dữ liệu điện toán đám mây hàng không vũ trụ thuộc Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) nhận định: “Chính những đòn trừng phạt đưa các công ty của Trung Quốc vào danh sách đen của Mỹ là chất xúc tác để Bắc Kinh hiểu ra giá trị cốt lõi của chính mình. Chúng tôi vẫn tồn tại bất chấp các lệnh trừng phạt”, ông Mu Sen nhấn mạnh.

“Kể cả tới đây quan hệ Mỹ - Trung diễn biến theo kịch bản xấu nhất, hạ tầng công nghệ thông tin chủ chốt của Trung Quốc vẫn đủ sức sống sót mà không cần nhập khẩu bộ chip CPU từ Mỹ trong vòng 3 - 5 năm”, ông Ni Guangnan, chuyên gia đến từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc chia sẻ.

Lý do thứ hai, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các quốc gia hạn chế giao thương với nhau, dẫn đến chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng bao gồm công nghệ bị gián đoạn, sự việc này một lần nữa củng cố thêm quyết tâm tự cung tự cấp công nghệ của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đang phải chi số tiền khổng lồ để nhập khẩu các chất bán dẫn, ước tính 306 tỷ USD trong năm ngoái và 319 tỷ USD vào nghiên cứu và đầu tư khoa học.

Lý do cuối cùng là bởi, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học 4.0, quốc gia nào làm chủ công nghệ tất yếu sẽ nắm trong tay quyền lực mạnh nhất. Với tham vọng đứng đầu toàn cầu, Trung Quốc không thể bỏ qua yếu tố này.

Việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghệ đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải đầu tư rất lớn từ vật chất cho đến nhân lực. Để có thể làm được, Bắc Kinh tìm đến phương án xã hội hóa, phối hợp với các tập đoàn công nghệ khổng lồ, mở cửa cho tư nhân tham gia vào những lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ mà trước đây chủ yếu do Nhà nước thực hiện.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), tới đây, Trung Quốc sẽ thiết lập một nhóm các tập đoàn bao gồm những công ty tư nhân, các viện khoa học và công nghệ, hợp lực để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.