Bắc Kinh được cho là đang triển khai trái phép loại tên lửa YJ-62 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: NI) |
Trung Quốc nhiều khả năng đang triển khai trái phép các tên lửa chống hạm đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, NI ngày 23/3 cho hay.
Đây có thể là động thái tiếp nối trong các âm mưu nguy hiểm của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông và gia tăng căng thẳng khu vực, tạp chí quân sự này nhận định.
Các phương tiện truyền thông châu Á, trong đó có kênh truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix TV) của Hongkong dẫn các bức ảnh cho hay, Trung Quốc nhiều khả năng đã triển khai phi pháp các tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 đến đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
YJ-62 chắc chắn không phải loại tên lửa nền tảng tốt nhất của Trung Quốc. Theo trang web an ninh toàn cầu: “Mỗi tên lửa YJ-62 mang 300kg đầu đạn xuyên giáp, tốc độ bay tối đa Mach là 0,6-0,8 (tức là 0,6-0,8 lần tốc độ âm thanh). C-602, một phiên bản xuất khẩu của YJ-62 sử dụng một động cơ phản lực, có thể đạt tầm bắn tối đa 280km. YJ-62 mới có thể đạt tầm bắn tối đa cao hơn”.
NI dẫn lời ông Harry J.Kazianis, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc Quỹ Potomac (Mỹ), cho rằng, các động thái của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông là khá rõ ràng, cụ thể. Trong đó, lý do ngắn hạn có thể là Trung Quốc đang phản ứng với các động thái của Mỹ và Philippines gần đây trên Biển Đông.
Việc “rò rỉ” những bức ảnh cho thấy Trung Quốc đang phản ứng trực tiếp với Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA) mới. Đây là kết quả của những thỏa thuận hồi tuần trước giữa Washington và Manila, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines, gồm: căn cứ không quân Antonio Bautista Air, căn cứ không quân Basa, Fort Magsaysay, Lumbia và Mactan-Benito Ebuen.
Tiếp theo, lý do trung hạn: Việc Trung Quốc triển khai vũ khí chống hạm trong vùng Biển Đông là cách để Bắc Kinh “phòng vệ” đối với lực lượng hải quân hùng mạnh của Mỹ. Kết hợp với các tên lửa tầm xa vốn có, Trung Quốc có thể chuẩn bị tốt hơn cho công cuộc quân sự hóa Biển Đông.
Về lâu dài, Bắc Kinh triển khai trái phép các vũ khí tới Biển Đông nhằm “cụ thể” hóa cái gọi là yêu sách “Đường chín đoạn”, phát triển khả năng tấn công quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ còn hành động nhiều hơn nữa, phát triển nhiều hơn nữa các căn cứ trái phép trên Biển Đông, trong một nỗ lực và tham vọng bá chủ ở vùng biển này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận