Theo ghi nhận, từ 8h sáng, phương tiện đổ về trạm thu phí đông dần, đa số là xe container, xe tải đi vào cảng. Tuy nhiên, thay vì thanh toán rồi di chuyển qua BOT, nhiều phương tiện phải xếp hàng dài chờ đợi do ùn ứ, kẹt xe.
Nguyên nhân vì hai ô tô con từ trong khu dân cư đi ra, dừng ngay trạm thu phí để thắc mắc về việc đóng phí. Quá trình này diễn ra hơn 30 phút, khiến phương tiện ùn tắc nặng, nhiều xe phải xếp hàng chờ phía sau.
Ngay sau đó, lực lượng CSGT, Công an TP Thủ Đức đã có mặt xử lý, điều tiết giao thông qua khu vực. Đến hơn 11h30 cùng ngày, tình trạng ùn ứ giao thông tại trạm BOT Phú Hữu đã được giải quyết, xe cộ lưu thông bình thường.
Dự án đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu Công nghiệp Phú Hữu được TP.HCM ký hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vào năm 2012. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng với quy mô xây tuyến đường dài khoảng 2,6km, rộng 30m.
Theo mức giá thu tại BOT Phú Hữu, từ 1/1/2025 đến 16/9/2025, các xe qua trạm sẽ đóng phí cao hơn năm 2024. Trong đó, vé lượt áp dụng 15.000-120.000 đồng. Vé tháng từ 450.000 - 3,6 triệu đồng. Vé quý từ 1.215.000 - 9.720.000 đồng. Sau giai đoạn trên, mức phí qua trạm tiếp tục được điều chỉnh với giá vé lượt thấp nhất 17.000 đồng, cao nhất 133.000 đồng. Vé tháng 510.000 đồng đến gần 4 triệu đồng; vé quý từ 1.377.000 - 10.773.000 đồng.
BOT Phú Hữu cũng sẽ miễn, giảm cho một số nhóm phương tiện gồm xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát... Ngoài ra, ô tô dưới 12 chỗ không kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng khu vực các đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu cũng được miễn phí qua trạm.
Trước đó, TP.HCM triển khai 7 dự án BOT, gồm cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn một) đã kết thúc thu phí hoàn vốn. Ngoài BOT Phú Hữu, ba dự án khác đang thu phí, gồm BOT An Sương - An Lạc, cầu Phú Mỹ, mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận