Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng Grabshare vi phạm Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 của Bộ GTVT |
Ngày 17/6, Hiệp hội taxi TP.HCM vừa có văn bản số 12 gửi Bộ GTVT và Sở GTVT TP.HCM để kiến nghị dừng tính năng đi chung xe Grabshare của công ty TNHH Grab Taxi.
Theo văn bản này của Hiệp hội, ngày 9/5 và 8/6, Công ty TNHH GrabTaxi đã chính thức triển khai tính năng đi chung xe trên địa bàn TP.HCM và TP.Hà Nội. Đây là một tính năng mới của Grab nhằm đa dạng hóa dịch vụ, lôi kéo khách hàng… Hiện nay Grab đang hoạt đông tại Việt Nam theo đề án thí điểm kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 dưới hình thức xe hợp đồng.
Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng, theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại Mục 5, Điều 7 về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng quy định: “Không được bán vé, xác nhận đặt chỗ đi xe cho hành khách dưới mọi hình thức”.
Còn theo Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT tại Mục 1, Điều 45 quy định: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”; Mục 2, Điều 45 thì quy định: “Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký 1 hợp đồng vận chuyển khách”.
“Căn cứ tính năng đi chung xe Grabshare, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi kết luận rằng: Với tính năng GrabShare, Công ty TNHH GrabTaxi đã vi phạm Mục 5, Điều 7 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và vi phạm Mục 1, 2 Điều 45 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT”, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM nói.
Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT giao Thanh tra Bộ ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm của Công ty TNHH GrabTaxi theo Điểm I, Mục 3, Điều 23 và Điểm P, Mục 3, Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi dừng ngay tính năng đi chung xe Grabshare trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi Grab thực hiện ứng dụng này, nhiều khách hàng cho biết việc đi chung giảm giá cước các chặng đi khoảng 20-30% so với giá cước thông thường. Mỗi chuyến đi ghép, lái xe chỉ dừng đón khách tại một điểm. Khách thông báo số người cần đi khi đăng ký dịch vụ và hãng nhận chở khách ghép nhưng không được quá số người theo quy định, cụ thể với xe 4 chỗ, không được chở quá 4 người.
Những ngày đầu sử dụng dịch vụ đi chung xe, một số khách phàn nàn việc chờ đón khách thứ hai khá lâu làm giảm sức hấp dẫn của Grabshare. Nếu hãng quy định thời gian chờ đón khách ghép chỉ dưới 3 phút, khách phải sẵn sàng đón xe thì dịch vụ này sẽ cực kỳ hấp dẫn, nhất là với các chuyến đi trên 5km.
Anh Nguyễn Minh Quang, một lái xe taxi truyền thống cho biết rất mong các cơ quan chức năng sớm trả lời chính thức và rốt ráo trong quản lý các loại hình vận tải mới như Grab, Uber. Dịch vụ đi xe chung của Grab có thể khiến giới lái xe truyền thống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn vì bị cạnh tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, anh Quang thừa nhận, nếu khách đi ghép sẽ giảm bớt đầu xe ra đường trong giờ cao điểm, bớt gây tắc đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận