Hậu trường phim “Kong: Skull Island” (Trong ảnh: Một cảnh quay tại Quảng Bình) |
Dù đã mở cửa chào đón rất nồng hậu, nhưng Việt Nam vẫn thiếu một cơ chế rõ ràng để thu hút ngày càng nhiều các đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim để quảng bá du lịch và mở ra cơ hội mới.
Có thực chuyện trải thảm đỏ đón đoàn làm phim nước ngoài?
Việt Nam đã từng là một trong những phim trường của Hollywood và quốc tế từ hơn nửa thế kỷ trước, nhưng do những thăng trầm lịch sử mà mối lương duyên bị ngắt đoạn. Hàng loạt phim nổi tiếng toàn cầu như: Forrest Gump (Cuộc đời Forrest Gump), Born on Fourth July (Sinh ngày 4/7), Apocalypse Now (Ngày tận thế), Earth & Heaven (Trời và Đất), Điệp viên 007… đã bị từ chối khiến họ phải đến nước khác quay.
Đến năm 2015 khi đoàn phim Kong: Skull Island đến Việt Nam, đây có thể xem là dự án của Hollywood đánh dấu sự thay đổi cái nhìn của các nhà làm phim thế giới với các nhà quản lý Việt Nam và cũng mở ra cơ hội mới. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết, Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim, bởi đây là cơ hội quảng bá hình ảnh và đất nước. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch từng nhiều lần phát biểu trong các cuộc họp báo sẽ trải thảm đỏ đón các đoàn phim nước ngoài.
Thế nhưng, Việt Nam có thực sự trải thảm đỏ hay không? Việc xin phép sử dụng bối cảnh ở Việt Nam để làm phim phải qua rất nhiều cửa, cơ quan bộ, ngành liên quan. Bản thân Luật Điện ảnh cũng rất chung chung, các vấn đề liên quan chỉ “gói” trong vài hàng chữ ở các Mục 3, Điều 8, Chương 1: Quản lý hợp tác quốc tế trong hoạt động điện ảnh. Và Điều 21, 23 Chương 3: Quy định cung cấp dịch vụ sản xuất phim.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thừa nhận, các quy định của Việt Nam khá đầy đủ nhưng chưa chi tiết được đến mức dành riêng cho những dự án đặc thù như hợp tác phim. “Bản thân các nước có chế độ hoàn thuế rất cao cho riêng dự án phim lớn. Đó là chế độ nhập khẩu riêng cho đạo cụ phim trường khác với hàng hóa. Trong khi đó, Việt Nam thì chưa có. Khi đoàn làm phim Kong: Skull Island xin phép vào VN quay phim, họ đã phải đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Thuế mà đoàn làm phim phải đóng đó là sử dụng dịch vụ tại các di sản theo quy định hiện hành”, ông Hoàng nói.
Chưa coi trọng đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam
Trong khi đó, truyền thông Úc đưa tin, đoàn làm phim Kong: Skull Island khi quay ở nước này đã nhận được những ưu đãi như giảm thuế rất lớn. Đoàn phim đã được hoàn thuế 16,5% và giảm giá 30% cho bất kỳ khâu sản xuất, hiệu ứng hình ảnh công việc thực hiện ở nước này.
Tại LHP Cannes diễn ra vào tháng 5/2016, Phó Thủ tướng Thái Lan Tanasak Patimapragorn và Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Kobkarn Wattanavrangkul đã công bố những kế hoạch ưu đãi của Chính phủ đối với các đoàn làm phim nước ngoài khi đến nước này quay phim. Theo đó, từ tháng 1/2017, các tác phẩm điện ảnh nước ngoài dựng ở Thái Lan có kinh phí trên 1,5 triệu USD sẽ được hỗ trợ 15% kinh phí. Những bộ phim có diễn viên Thái Lan là nhân vật chính hoặc tham gia sẽ được hỗ trợ 3%. Các bộ phim đem lại những lợi ích đặc biệt trong việc thúc đẩy hình ảnh của Thái Lan sẽ được hỗ trợ 2%.Trong năm 2015, có 63 bộ phim nước ngoài quay ở Thái Lan, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc, với 48 bộ phim. Trong 3 tháng đầu năm 2016, 9 bộ phim đã được quay tại đất nước này.Hường Nguyễn |
Ông Hoàng chia sẻ thêm, với đoàn phim lớn như đoàn Hollywood vừa qua, phần lớn các đạo cụ, mô hình do con người tạo nên hoặc một số thiết bị hỗ trợ phải mang từ nước ngoài sang. “Thứ nhất, chúng ta chưa có một ngành như kiểu ngành công nghiệp phục vụ quay phim đủ uy tín, đủ quy mô và chuyên nghiệp như các nước. Việc làm những mô hình lớn tôi tin là ta làm được, nhưng vì mới mẻ, lần đầu, nên bạn vẫn thuê sản xuất ở Thái Lan, Úc rồi chuyển qua cho chắc chắn. Thứ hai là, do cách vận hành chuyên nghiệp của các đoàn phim lớn, họ chuẩn bị tất cả hoàn hảo thành một gói gồm những thứ quy chuẩn rồi chất vào container mang đi lòng vòng các nước, đôi khi trong đó có cả vỏ chai nước khoáng làm đạo cụ”, ông Hoàng chỉ rõ.
Một số nước như: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia luôn mở rộng cửa cho các đoàn làm phim nước ngoài không chỉ bằng lời nói mà bằng cả chính sách ưu đãi đặc biệt về mọi mặt. Thái Lan với kinh nghiệm bậc thầy về dịch vụ phim trường, họ ý thức “cỗ máy in tiền” từ dịch vụ này. Ở Thái Lan có Hiệp hội Dịch vụ sản xuất phim nước ngoài. Theo tờ Bangkok Post, năm 2014 với 594 bộ phim, show truyền hình, MV nước ngoài…, Thái Lan đã đạt doanh thu 1,93 tỷ baht (54 triệu USD) từ dịch vụ này. Không chỉ quảng bá hình ảnh du lịch, đất nước, có thể dịch vụ này là cơ hội kiếm ra tiền cho Thái Lan.
Có thể thấy, chúng ta chưa bao giờ xem việc chào đón các dự án phim nước ngoài đến quay tại Việt Nam như một cơ hội kinh doanh và quảng bá hình ảnh đất nước. Trong khi đó, những nước chào đón các đoàn làm phim nước ngoài đến quay đã kiếm bộn tiền nhờ cho thuê bối cảnh. Cùng đó, ngành Du lịch của đất nước ấy cũng được hưởng lợi khi hình ảnh đất nước họ lên phim Hollywood.
Ông Hoàng cho hay, vấn đề đặt ra là, ngoài việc nghiên cứu, tạo điều kiện cho các dự án hợp tác phim về mặt luật hay chính sách như giảm thuế, thủ tục hải quan, nhập cảnh người và thiết bị... là việc lâu dài hơn. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước đi trước thì cần khuyến khích các doanh nghiệp xã hội dấn thân cho việc hợp tác với các hãng phim lớn, có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận