Kinh tế

Vì sao vựa trồng phật thủ lớn nhất Hà Nội không được cấp điện để phục hồi sản xuất?

10/10/2024, 19:29

Sau bão Yagi, nhiều người trồng phật thủ ở Hồng Hà, Đan Phượng mất trắng, chưa có điện để khôi phục lại cây. Theo lãnh đạo UBND xã, các hộ dân này đều chưa được giao đất sản xuất mà tự ý thuê lại của các đối tượng khác không thông qua xã.

Mất trắng hàng chục tỷ đồng

Gần hai tuần qua, nhiều gia đình ở xã Hồng Hà (Đan Phượng) vẫn đang cố gắng ''hồi sinh'' những cây phật thủ còn lá xanh sau ngập lụt do nước sông Hồng dâng cao. Song người dân đánh giá, việc "cứu" cây chỉ là biện pháp tạm thời, một thời gian sau, cây sẽ chết vì không có điện để tưới gốc và phun thuốc. Ước tính thiệt hại từ 600-700 triệu đồng/hộ, thậm chí có những gia đình trồng nhiều mất đến cả tỷ đồng.

Vì sao vựa trồng phật thủ lớn nhất Hà Nội không được cấp điện để phục hồi sản xuất?- Ảnh 1.

Các hộ dân trồng phật thủ tại xã Hồng Hà, Đan Phượng mất trắng hàng tỷ đồng (Ảnh: Hoàng Anh).

Gia đình anh Long (quê xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức) mới lên Đan Phượng thuê bãi đất bồi ở xã Hồng Hà trồng phật thủ từ đầu năm 2022, với tổng diện tích hơn 4,3 mẫu. Anh Long ước tính tổng thiệt hại sau đợt lũ khoảng 1,1 tỷ đồng.

Theo anh Long, vụ này coi như mất trắng. Giờ phải cắt bỏ những quả khô héo, phục hồi lại gốc nhưng vẫn không có điện dù đã kiến nghị lên UBND xã Hồng Hà nhiều lần. Nhìn cây héo dần vì không được phun thuốc, tưới nước, anh chỉ biết khóc than trời.

Anh Long cho biết, anh thuê đất trồng cây phật thủ từ anh Hoàng Văn Hùng (người được UBND huyện Đan Phượng giao hơn 1.000m2 đất ở bãi Bồng Xá, xã Hồng Hà để sử dụng vào mục đích sản xuất đất nông nghiệp - PV) mới hơn một năm nay.

"Bị cắt điện từ thời điểm lũ đến nay, giờ gia đình bất ngờ nhận được quyết định cưỡng chế toàn bộ khu đất đang trồng hơn 700 gốc phật thủ vào ngày 15/10/2024 của UBND huyện Đan Phượng. Mùa màng mất trắng bởi thiên tai, nợ ngân hàng chưa kịp trả, giờ chúng tôi buộc phải phá bỏ toàn bộ cây phật thủ đang "hồi sinh", coi như về tay trắng", anh Long xót xa.

Vì sao vựa trồng phật thủ lớn nhất Hà Nội không được cấp điện để phục hồi sản xuất?- Ảnh 2.

Nhiều gia đình trồng phật thủ vẫn gia cố giàn, cắt tỉa cây, phục hồi loại cây này để gỡ gạc vụ sau.

Không chỉ gia đình anh Long mà hàng chục hộ dân khác trồng phật thủ ở bãi Bồng Bá, xã Hồng Hà cũng đứng trước nguy cơ trắng tay khi vừa ảnh hưởng bão vừa bị cưỡng chế thu hồi đất.

Gia đình bà Dung có hơn 500 gốc phật thủ vừa ngâm trong nước hơn 2 tuần. Theo bà Dung, những gốc phật thủ của gia đình bà đã hơn 3 năm nên khi bị ngập chỉ thối quả. Bà đang hối hả cắt bỏ quả bị hư hỏng, tỉa lá bị chết úa để phục hồi cây càng sớm càng tốt.

"Chúng tôi làm hợp đồng thuê đất của ông Hùng với giá 2 triệu đồng/năm/sào và phải kí 5 năm liên tục, đến 2027 tôi mới hết hợp đồng nhưng bất ngờ nhận được quyết định cưỡng chế của huyện Đan Phượng. Trong 1 tuần yêu cầu chúng tôi di dời hàng nghìn gốc phật thủ thì chúng tôi biết đi đâu về đâu?", bà Dung ngậm ngùi.

Có đối tượng tư lợi đất công

Theo thống kê sơ bộ, xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có khoảng 245 hộ thuê đất trồng phật thủ tại các bãi bồi ven sông Hồng thuộc các xã của huyện Đan Phượng bị thiệt hại do đợt lũ vừa qua. Trong đó, có khoảng 300ha phật thủ bị xóa sổ, tổng thiệt hại ước tính hơn 250 tỷ đồng.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết trên địa bàn xã có 3 khu vực trồng phật thủ gồm: Bồng Bá 75ha, Mê Linh 200ha và Đầm Hương là 10ha.

Thời điểm năm 2010-2021 cả 3 khu vực này đều do UBND xã Hồng Hà và HTX giao thầu không thông qua đấu giá. Đến năm 2021 UBND huyện Đan Phượng ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 31ha để tổ chức đấu thầu, lúc này các hộ vẫn đang có diện tích trồng phật thủ trên đất.

Vì sao vựa trồng phật thủ lớn nhất Hà Nội không được cấp điện để phục hồi sản xuất?- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà.

Theo ông Hà, trong 16 hộ được giao đất giai đoạn trước đó với diện tích 41,87ha, có 4 hộ đồng ý ‎thanh lý hợp đồng, số còn lại đều yêu cầu gia hạn thêm nhưng UBND huyện Đan Phượng đã có văn bản trả lời bà con về việc không đủ điều kiện để tiếp tục, buộc phải thu hồi để thông qua đấu giá theo quy định.

Từ thời điểm 2021, nhiều cá nhân đã lợi dụng đất công để cho người dân nơi khác đến thuê lại để trồng phật thủ với mục đích tư lợi. UBND xã đã nhiều lần tuyên truyền vận động bà con nhưng đa số đều tự ‎thỏa thuận hợp đồng với nhau. Hiện, có khoảng 30 hộ dân đang tự ‎thuê đất từ các đối tượng khác mà không báo cáo với UBND xã.

Chủ tịch UBND xã thông tin thêm, xã đã thu thập toàn bộ số hóa đơn thỏa thuận của các hộ dân với đối tượng cho thuê đất. Có những hộ bỏ ra hơn 200 triệu đồng để thuê đất trồng phật thủ. Xã đã báo cáo UBND huyện và cơ quan điều tra để làm rõ việc này.

Do vậy, đa số các hộ dân đang sản xuất trên đất không được giao đúng mục đích nên UBND xã Hồng Hà đã nhiều lần ra thông báo về việc này, ngày 15/10 tới đây UBND huyện Đan Phượng tiến hành cưỡng chế.

Nói về việc ngừng cấp điện khi người dân đang cần nguồn điện để phục hồi cây, ông Hà cho biết, theo quy định của pháp luật, khi UBND huyện Đan Phượng có quyết định cưỡng chế, xã yêu cầu HTX cắt điện để đảm bảo an toàn.

Khi được hỏi tại sao suốt từ năm 2021 tới nay các hộ dân vẫn được cấp điện sản xuất yên ổn mà không có thông báo nào về việc đất sử dụng chưa đúng mục đích, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho rằng, liên quan đến vấn đề an sinh.

"Bà con vẫn còn diện tích trồng cây phật thủ trên đất nên buộc chúng tôi phải cung cấp điện để duy trì sản xuất, nhưng đến nay thời điểm kéo dài quá lâu nên buộc phải tiến hành cưỡng chế", ông Hà Nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.