Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, vài năm gần đây, loại hình vận tải khách bằng xe điện 4 bánh khá phổ biến tại các đô thị, khu du lịch. Tại TP.HCM, đầu năm 2017, địa phương đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện khu vực trung tâm thành phố và tháng 8/2018 tiếp tục thí điểm hoạt động tại 5 điểm đón taxi trên địa bàn quận 1 để giảm ùn tắc giao thông.
Tại Hải Phòng, từ tháng 10/2015, một đơn vị được phép vận hành thử nghiệm 30 xe điện chở khách trên 4 tuyến trung tâm thành phố để phuc vụ đi lại, tham quan. Ngoài các tuyến chạy khu vực nội thành, xe điện chở khách cũng đã được thí điểm triển khai tại một số địa bàn du lịch như: Cát Bà, Đồ Sơn. Còn tại Hà Nội, xe điện chở khách tham quan du lịch đã hoạt động vài năm tại khu vực Hồ Gươm, sân bay quốc tế Nội Bài…
Ở nhiều địa phương khác, nhất là các địa điểm du lịch, xe điện chở khách đã trở nên quen thuộc và theo quy định, loại phương tiện này phải được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm mới được phép hoạt động trên các tuyến giao thông công cộng.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện toàn quốc có gần 900 xe điện chở người bốn bánh được cấp chứng nhận đăng kiểm định kỳ để tham gia giao thông, trong đó nhiều nhất là Đà Nẵng và Hải Phòng với hơn 100 xe/địa phương.
Tuy vậy, loại xe trên không phải là “xe ô tô” mà được gọi là “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ” dùng năng lượng điện. Bởi loại phương tiện trên không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật cơ bản của ô tô như: về cấu tạo (hệ thống khung gầm, động cơ, truyền lực, phanh, lái, treo, cabin/khoang hành khách, phụ trợ…).
“Xe điện được gọi là "xe chở người bốn bánh có gắn động cơ", có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 30 km/h, không quá 15 chỗ (cả người lái). Phương tiện này được quản lý theo quy định tại Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT, được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm và chỉ được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo quy định của từng địa phương”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Về điều kiện an toàn kỹ thuật, xe điện bốn bánh cũng phải được cấp chứng nhận đăng kiểm định kỳ mới được phép chở khách. Cụ thể, trong lần kiểm định đầu tiên để được phép tham gia giao thông, giấy chứng nhận kiểm định có hiệu lực 18 tháng đối với xe mới, chưa qua sử dụng; 12 tháng đối với các trường hợp khác. Còn từ lần kiểm định thứ hai trở đi, định kỳ đăng kiểm là 12 tháng/lần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận