Đô thị

Vỉa hè Hà Nội lại bị tái chiếm

24/06/2023, 16:38

Vỉa hè trên hàng loạt tuyến đường tại Hà Nội lại bị lấn chiếm như chưa từng có những đợt ra quân xử lý của lực lượng chức năng.

Vỉa hè trở lại "bình thường cũ"

Chuyện tái chiếm vỉa hè không phải là chuyện mới. Chính vì thế, ngay khi lãnh đạo Hà Nội hạ quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, rất nhiều người đã nghi ngờ về tính khả thi.

Không ngoài dự đoán, chưa đầy 4 tháng sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh lên kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm giao thông, trật tự đô thị và công cộng, trong đó có yêu cầu trả lại nguyên trạng vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ, đâu đã lại hoàn đấy.

Sau những ngày ra quân rầm rộ, những hô hào quyết tâm, những kế hoạch đầy hy vọng, vỉa hè đã lại như cũ. Hai ngày 22/6 - 23/6, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại nhiều tuyến đường của Thủ đô khu vực các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Đông..., vỉa hè bị chiếm dụng trở lại. Nhiều nơi, người đi bộ tiếp tục bị "đẩy" xuống lòng đường.

Điển hình như hai bên vỉa hè trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, khu vực cổng trường Đại học Phenikaa, hàng loạt cửa hàng bán nước, đồ ăn nhanh bầy biện bàn ghế ra vỉa hè như... nhà của mình. Phía đối diện, người dân vẫn vô tư họp chợ, bày biện cả xe thồ, xe tải xuống lòng đường để bán hàng gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

"Hàng ngày vỉa hè vẫn bị chiếm dụng, họp chợ, buôn bán, nhếch nhác, chềnh ềnh ra đường nhưng tôi không còn thấy ai đi nhắc nhở, xử lý rầm rộ như đợt vừa rồi. Thật khó để vỉa hè phong quang, được trả lại như công năng của nó nếu như địa phương không quyết liệt, làm nghiêm túc", chị Vũ Thị Thuý Quỳnh, người dân sống ở KĐT Nam Cường vừa nói, vừa cố chen qua đám bàn ghế ken chặt trên vỉa hè để đi.

Cách đấy không xa, trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm), vỉa hè 2 bên đường đã lại biến thành chợ cóc tự lúc nào. Người dân vô tư mang hàng hoá đến để họp chợ nhộn nhịp.

Còn tại khu vực đường Phạm Tuấn Tài (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy), mỗi sáng có hàng chục ôtô, xe máy đỗ trước một số quán ăn sáng. Hàng loạt xe ôtô xếp thành hai hoặc ba hàng, khiến đoạn đường vốn nhỏ lại càng thêm chật hẹp.

Buổi sáng là khung giờ cao điểm, nhu cầu đi lại của người dân nơi đây rất lớn, nên việc xe máy, ô tô đỗ tràn lan trước các cửa hàng ăn uống gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân.

Trên phố Hoàng Trọng Mậu, khu vực toà nhà The Emerald, vỉa hè thậm chí còn bị trưng dụng làm nơi trông giữ xe mà chẳng thấy bóng lực lượng chức năng xử lý. Người dân sống trong toà nhà phản ánh: Khu vực toà nhà thường có người thu tiền trông giữ xe từ 6h30 sáng hàng ngày, che chắn lối đi, ngoài vạch kẻ trông giữ phương tiện.

Hay tại khu vực trước cổng trường tiểu học Marie Curie (phố Hoàng Trọng Mậu), hàng loạt phương tiện vận tải hợp đồng chở học sinh (xe 29, 45 chỗ) dừng, đỗ kín vỉa hè, lòng đường phía trước cổng trường. Trong khi theo giấy phép được cấp cho trường Marie Curie, số phương tiện này chỉ được dừng, đỗ vào khoảng thời gian từ 07h30-08h30 và 16h00-17h00 hàng ngày, tuy nhiên, đến 10h30 hàng ngày, số phương tiện trên vẫn dừng, đỗ tại vị trí này.

img

Trên đường Tố Hữu thuộc địa phận quận Hà Đông tiểu thương vẫn vô tư căng bạt, bày biện bàn ghế bán hàng

img

Khu vực cổng Trường Đại Học Phenikaa trở thành nơi bán hàng của các hộ kinh doanh

Số vụ xử lý của một số quận, huyện chưa tương xứng với vi phạm

Thống kê của Ban chỉ đạo 197 Hà Nội, từ ngày đầu ra quân theo chỉ đạo của TP đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 4,1 nghìn trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, phạt tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Trong số này, quận Đống Đa có kết quả xử lý vi phạm cao nhất với 725 trường hợp. Đứng sau quận Đống Đa là quận Cầu Giấy với 655 trường hợp.

Các quận có kết quả kiểm tra, xử lý thấp, chưa tương xứng với tình hình vi phạm trên địa bàn được Ban chỉ đạo 197 "điểm danh" Thanh Xuân (109), Hà Đông (116).

Nhận xét về công tác kiểm tra, xử lý vỉa hè của các địa phương, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng: Việc thực hiện tuyên truyền tại một số địa bàn còn chưa đảm bảo yêu cầu; Vẫn còn xảy ra tình trạng một số hộ dân vẫn không chấp hành, chưa chủ động sắp xếp gọn gàng hàng quán, lấn chiếm hè phố để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.

Lãnh đạo Ban chỉ đạo 197 cho hay, Thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc kết quả triển khai thực hiện của Ban Chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã.

Đáng chú ý, Ban chỉ đạo 197 cũng lưu ý các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 197 Thành phố, Ban Chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 01, các Công văn đôn đốc, chấn chỉnh tình trạng trật tự đô thị, trật tự công cộng, nghiêm túc rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế.

Trước thực trạng lấn chiếm vỉa hè ở một số tuyến phố hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - chuyên gia giao thông cho rằng: Để tạo được bộ mặt văn minh đô thị trên các tuyến phố, Hà Nội cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các vi phạm.

"Dẹp vỉa hè không phải là việc khó mà rất khó. Quyết liệt rồi còn khó thành công chứ không chỉ là đánh trống bỏ dùi, đầu voi, đuôi chuột", PGS.TS Thuỷ nói và cho rằng: Ngoài việc làm nghiêm, phạt mạnh, ở các tuyến phố đông người, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để người dân và các hộ kinh doanh ý thức được việc giữ gìn trật tự ATGT của địa phương mình. Có như vậy mới có thể trả lại vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự văn minh đô thị cho các tuyến phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.