Tràn lan lấn chiếm vỉa hè tại điểm dừng xe buýt
Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 17/5, tại nhiều tuyến đường, phố Hà Nội như: Phạm Hùng, Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Phúc Diễn… tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các điểm dừng xe buýt diễn ra phổ biến, tràn lan.
Vỉa hè quanh khu vực điểm dừng xe buýt trên QL32 đoạn qua Nhổn thường xuyên bị lấn chiếm để đỗ xe máy, bày bán hàng quán
Khoảng 9h30 sáng, tại điểm dừng xe buýt phía trước Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (đường Tôn Thất Thuyết), PV quan sát thấy hàng dài ô tô đỗ chiếm cả lòng đường gây khó khăn cho xe buýt vào đón khách. Trên vỉa hè, 2 chiếc xe máy của nhân viên giao hàng đỗ chờ khách xuống nhận cũng cản trở người đi bộ đến điểm buýt. Thực tế, nếu không chú ý quan sát, rất nhiều người sẽ không biết tại đây có điểm dừng này.
Tình trạng tương tự xảy ra trên đường Duy Tân, bất chấp biển báo điểm dừng xe buýt tuyến số 97, chiếc ô tô BKS 30K - 244.46 đỗ ngay lòng đường phía trước, trong khi trên vỉa hè là hàng xe máy dài cả chục mét khiến phần vỉa hè dành cho hành khách chờ xe buýt chỉ còn lại ít ỏi.
Điểm chờ xe buýt trên đường Cầu Diễn, Phúc Diễn cũng bị lấn chiếm để dựng xe máy. Đáng chú ý, tại điểm xe buýt trên QL32 qua Nhổn (đoạn trước Đại học Công nghiệp) còn bị các sạp hàng nước chiếm dụng để buôn bán, tạo ra khung cảnh lộn xộn, nhếch nhác.
Em Nguyễn Tuấn Anh (sinh viên Đại học Công nghiệp) cho biết, xe buýt là phương tiện em sử dụng hàng ngày để đến trường. “Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè để đỗ xe, buôn bán diễn ra thường xuyên mỗi ngày. Nhiều hôm để đến điểm xe buýt, em phải đi dưới lòng đường rất nguy hiểm do vỉa hè đã “nêm” những phương tiện, bàn ghế”, Tuấn Anh nói và cho biết: Công an trật tự cũng từng đi kiểm tra, nhắc nhở nhưng chỉ một lúc sau “đâu lại vào đấy”.
Theo các chuyên gia, vỉa hè có vai trò quan trọng trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng
Giành lại vỉa hè, đừng chỉ chờ cao điểm
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, một trong những yếu tố quyết định đến việc vận tải hành khách công cộng có được chấp nhận và sử dụng hay không là tính tiếp cận.
TS. Hiếu phân tích, có 2 cách tiếp cận là đi bộ đến điểm dừng và sử dụng phương tiện cá nhân (như xe đạp, xe máy và xe ô tô). Tại Việt Nam, đi bộ là cách tiếp cận phổ biến và quan trọng nhất trong khi đó, cách thứ 2 thường thấy ở các quốc gia phát triển và được đề cập dưới dạng Park-and-Ride (Đỗ xe và đi tiếp).
“Ở Việt Nam, việc lấn chiếm vỉa hè khiến người sử dụng không thể tiếp cận dịch vụ buýt dễ dàng. Họ phải đi xuống lòng đường qua đó làm gia tăng nguy cơ tai nạn, thậm chí là sự lo lắng, sợ hãi khi đi xe buýt. Chưa hết, việc lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt tại các điểm dừng xe buýt cũng khiến hình ảnh xe buýt trở nên nhếch nhác hơn. Chưa kể các quán nước hay vị trí lấn chiếm còn tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh an toàn như trộm cắp hay chèo kéo hành khách”, TS. Hiếu nhìn nhận.
Tại các nước trên thế giới, việc lấn chiếm vỉa hè ít xảy ra hơn hoặc xảy ra ở mức độ thấp hơn nhờ có quy hoạch và bố trí phù hợp giao thông tĩnh (các vị trí đỗ dừng xe). Thêm vào đó, phương tiện chủ yếu ở các nước phát triển là ô tô con nên không có tình trạng sử dụng vỉa hè làm chỗ đỗ xe như ở Việt Nam. Ở các nước phát triển, hầu hết các nhà hàng đều có đăng ký kinh doanh và quy định rõ ràng khu vực được sử dụng để kinh doanh nên luôn đảm bảo tốt phần diện tích vỉa hè còn lại cho người dân đi.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, vỉa hè có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển vận tải hành khách công cộng.
“Để thu hút hành khách sử dụng xe buýt, phương tiện công cộng nhiều hơn đừng chỉ tập trung phát triển mạng lưới phương tiện mà còn phải quan tâm đến hạ tầng tiếp cận, trong đó, chú trọng việc giữ vỉa hè dành cho người đi bộ - những hành khách sử dụng phương tiện này”, TS. Bình nói và nhấn mạnh: Việc ra quân đòi lại vỉa hè cho người đi bộ đừng chỉ làm khi có cao điểm mà việc này cần phải làm thường xuyên, liên tục, xử phạt nghiêm các vi phạm khi phát hiện mới có tính răn đe và nâng cao ý thức của người dân.
Nhìn nhận việc trả lại vỉa hè cho người dân nói chung và hành khách sử dụng vận tải hành khách công cộng nói riêng là vấn đề bức xúc nhưng không dễ giải quyết ở các đô thị, TS. Hiếu cho rằng những nỗ lực trước đây được thực hiện tại Hà Nội hay TP. HCM chưa đạt được như mong muốn.
“Tôi cho rằng trước hết cần tập trung bảo vệ khu vực xung quanh các điểm dừng, điểm trung chuyển của xe buýt khỏi tình trạng lấn chiếm. Vai trò của công an phường, quản lý trật tự cần được phát huy để thực hiện điều này. Việc kiểm tra giám sát cần tiến hành thường xuyên nhưng không báo trước”, ông Hiếu nói và nhấn mạnh: Việc giành lại vỉa hè sẽ phức tạp, gian nan và cần sự tham gia quyết liệt của nhiều lực lượng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận