Cơ quan đầu ngành nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Viện trong 50 năm qua.
Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, ngành GTVT tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định phát triển KCHT đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, là động lực để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Bộ trưởng đánh giá cao Viện đã tích cực chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị của Bộ, khắc phục mọi khó khăn, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không, sớm hơn một năm so với yêu cầu của Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các vùng kinh tế, quy hoạch các tỉnh, làm cơ sở triển khai đầu tư phát triển hệ thống KCHT giao thông đồng bộ, hiện đại.
Thực hiện các chiến lược, quy hoạch ngành GTVT đề ra, nhiều công trình giao thông quan trọng quốc gia đã, đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam; cảng biển quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải; Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp cải tạo các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các quốc lộ chính yếu, từng bước hình thành mạng lưới KCHT hiện đại, đồng bộ, an toàn, kết nối đến mọi vùng, miền trong cả nước, với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
"Năm 2023, chỉ số chất lượng cơ sở hạ tầng Việt Nam, mà chủ yếu là cơ sở hạ tầng giao thông, đã được nâng lên thứ 52/185 quốc gia, tăng 14 bậc so với 2019. Để có được những kết quả đó, không thể thiếu được những đóng góp quan trọng của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ghi nhận những đóng góp của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã trao tặng bức trướng của Bộ GTVT với nội dung: Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng, phấn đấu và phát triển (4/7/1974 - 4/7/2024).
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phát huy truyền thống, cùng Bộ GTVT và toàn ngành vượt mọi khó khăn, thách thức, để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, quyết tâm thực hiện đầu tư phát triển thành công hệ thống KCHTGT đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo đó, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, kiên tâm và bền chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu xây dựng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT trở thành cơ quan đầu ngành về nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ GTVT trong lĩnh vực chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển GTVT.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy, đề xuất cơ chế hiệu quả để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh để phát triển năng lực cốt lõi về xây dựng, phân tích cơ sở dữ liệu, dự báo nhu cầu vận tải; năng lực phân tích kinh tế, tài chính GTVT; đo lường, báo cáo và thẩm tra về phát thải khí nhà kính trong GTVT; đường sắt tốc độ cao và đường sắt điện khí hóa…, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành GTVT và hội nhập quốc tế.
Viện cần chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ tham mưu cho Bộ, nhất là đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án chiến lược, quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành GTVT; lộ trình cắt giảm khí nhà kính và khí mê-tan, phát triển giao thông xanh; cơ chế, chính sách quản lý, khai thác, giá, phí… cho các công trình hạ tầng giao thông và vận tải công cộng do Nhà nước đầu tư.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Viện tiếp tục tăng cường mở rộng phối hợp với các tổ chức khoa học - công nghệ trong và ngoài nước; tham gia, ứng cử các vị trí lãnh đạo các nhóm/tiểu nhóm công tác UNESCAP, APEC, ASEAN để nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam; tham gia và chủ trì xây dựng các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành GTVT.
Đổi mới cơ bản, toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nâng cao chất lượng và đang dạng hóa dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ về các vấn đề chống ùn tắc giao thông đô thị, phương án tổ chức giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng đô thị, phát triển phương tiện xanh thân thiện môi trường và hệ thống đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý, vận tải khai thác vận tải.
"Trong thời gian trước mắt, Viện cần tập trung nguồn lực để chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện Đề án Phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam, Đề án về phí cơ sở hạ tầng và Chính sách vé cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tham gia cùng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua Đề án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Đề án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Đồng thời khẩn trương nghiên cứu nâng cấp mô hình dự báo nhu cầu vận tải quốc gia gắn với tính toán mức độ phát thải khí nhà kính và khí mê-tan của ngành GTVT theo lộ trình thực hiện Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị.
Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển
Ôn lại truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng cho biết, ngày 4/7/1974, Hội đồng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/CP quy định "cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT". Trong đó, Viện Quy hoạch giao thông và Viện Kinh tế vận tải là cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT.
Trong giai đoạn từ những ngày đầu thành lập đến trước khi đổi mới, với những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn lực chung của đất nước và toàn ngành, các cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Quy hoạch giao thông và Viện Kinh tế vận tải, sau đó sát nhập thành Viện Kinh tế và Quy hoạch GTVT, đã nỗ lực cao nhất, phát huy tinh thần "đi trước mở đường" của ngành GTVT trong hai cuộc kháng chiến, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Viện đồng thời thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về quy hoạch GTVT, cơ chế chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh và phát triển GTVT.
Với sự bền bỉ, nỗ lực cố gắng không mệt mỏi trong 50 năm qua, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; Nhiều bằng khen của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Bộ GTVT, Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bên cạnh những công trình trọng điểm phục vụ công tác kế hoạch hóa của ngành GTVT như Tổng sơ đồ phát triển GTVT đến năm 2000, Viện đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu về lĩnh vực đổi mới cơ chế quản lý trong ngành GTVT nhằm triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào ngành GTVT.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Viện đã được Bộ GTVT tin tưởng giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Nghiên cứu Tổng đồ phát triển GTVT phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước thuộc chương trình cấp Nhà nước 1996-2000; Xây dựng chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020; Chiến lược phát triển GTVT nông thôn và miền núi. Cùng đó là các cơ chế chính sách phát triển như: Huy động vốn và sử dụng vốn để phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, cơ chế chính sách tạo lập môi trường để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong vận tải; Nghiên cứu ứng dụng vận tải đa phương thức vào Việt Nam…
Ngày 2/11/1996, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 2926 đổi tên Viện Khoa học kinh tế GTVT thành Viện Chiến lược và Phát triển GTVT. Với tinh thần mở cửa và hội nhập quốc tế, Viện đã được Bộ giao là đơn vị đầu mối trong phối hợp với các tổ chức quốc tế, thực hiện những nghiên cứu chiến lược, quy hoạch GTVT ở trình độ quốc tế.
Điển hình là Nghiên phát triển toàn diện hệ thống GTVT Việt Nam với nghiên cứu VITRANSS1 (2000), VITRANSS 2 (2010); Nghiên cứu quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông đô thị cho thủ đô Hà Nội (HAIDEP 2007), TP.HCM (HOUTRANS 2004) do JICA tài trợ… Thông qua những hoạt động này, Viện đã tiếp nhận, làm chủ phần cứng, phần mềm, đào tạo được đội ngũ chuyên gia quy hoạch, chuyên gia dự báo nhu cầu vận tải có trình độ ngang tầm các nước trong khu vực.
Viện đã được Bộ tin tưởng, giao nghiên cứu nhiều chiến lược, quy hoạch quan trọng của ngành. Đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Viện đã chủ trì xây dựng kịch bản phát triển và dự báo nhu cầu vận tải giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để cùng các cơ quan của Bộ, nghiên cứu lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành cấp quốc gia cho 5 chuyên ngành GTVT (đường bộ, đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không sân bay) giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với các đề án xây dựng chiến lược, quy hoạch, Viện được giao chủ trì nghiên cứu Đề án "Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống KCHTGT đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư"; Đề án xây dựng 5.000km đường bộ cao tốc theo chủ trương của Đảng đến năm 2030; Nghiên cứu xây dựng định mức bảo dưỡng thường xuyên đường cao tốc; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật khai thác, vận chuyển và thi công cát biển làm vật liệu đắp nền đường…
Viện cũng chủ trì nghiên cứu, để Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT; Bộ GTVT ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Bộ GTVT giai đoạn 2021-2030..., góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, đưa phát thải ròng các-bon về 0 vào năm 2050.
Bên cạnh những nhiệm vụ chuyên môn, Viện đã tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò của Bộ GTVT trong các hợp tác song phương, đa phương.
"Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Bộ GTVT và toàn ngành tiếp tục thực hiện trọng trách đột phá về đầu tư xây dựng KCHTGT theo mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển hệ thống GTVT xanh với cam kết phát thải ròng các-bon bằng 0 cho ngành GTVT vào năm 2050.
Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ; tham mưu xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển, quản lý GTVT để cùng Bộ và toàn ngành thực hiện các mục tiêu lớn của đất nước", Viện trưởng Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận