Sau bài phản ánh của Báo Giao thông: "Hà Nội: Đất nông trường bị “xẻ thịt”, xây nhiều công trình trái phép", UBND huyện Quốc Oai đã yêu cầu UBND xã Hoà Thạch báo cáo sự việc.
Trong báo cáo gửi huyện Quốc Oai, xã Hoà Thạch cho biết: Công trình viện dưỡng lão xây dựng trên 3 thửa đất số 28,29,30 tờ số 26 theo bản đồ năm 2016. Mục đích sử dụng là đất ở + đất vườn, được Công ty Chè Long Phú giao làm nhà trông chè và kinh tế hộ.
Cũng theo báo báo cáo, năm 2017 Đội quản lý trật tự xây dựng và Uỷ ban xã đã có kiểm tra và lập biên bản hiện trạng.
Ghi nhận tại công trình, tấm biển tên "Viện Dưỡng lão" đã được che lại bằng một tấm biển bạt. Bên trong, công nhân vẫn đang miệt mài xây dựng, hoàn thiện.
Khuân viên rộng cả nghìn mét đang được trồng hoa, đào hồ, xây chòi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông (19/9), ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoà Thạch cho biết, huyện Quốc Oai chưa có văn bản cụ thể. Nhưng trong các cuộc họp gần đây, huyện yêu cầu xử lý (xử lý vi phạm trật tự xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất - PV).
"Việc vi phạm thì rõ rồi, còn giải quyết như thế nào chờ ý kiến chỉ đạo của huyện vì vượt thẩm quyền xã", ông Dũng nói.
Trước đó, Báo Giao thông đưa tin, ghi nhận những ngày cuối tháng 5/2020, thay vì triển khai trồng chè theo đúng mục đích sử dụng đất, nông trường Long Phú (xã Hoà Thạch, Quốc Oai, Hà Nội) xuất hiện hàng chục ngôi nhà ở, nhà xưởng kiên cố với khung sắt mái tôn mọc lên san sát. Hàng nghìn mét vuông đất chè được thay bằng thảm bê tông dày hàng chục cm.
Đặc biệt, nằm bên tay trái trục đường chính vào nông trường, cách mặt đường QL21A khoảng 500m, “mọc” lên một viện dưỡng lão 4 tầng, mỗi tầng khoảng 600 m2/sàn, chuẩn bị được đưa vào sử dụng.
Ông Đỗ Đình Ngọc, Giám đốc Công ty CP Chè Long Phú khẳng định, tháng 7/2018, công ty đã bàn giao 250ha đất với hơn 2.000 hộ về địa phương. Trong diện tích đất giao khoán, mỗi hộ gia đình được giao 250m2 đất ở, được phép làm nhà. “Việc xây lấn, chiếm thuộc quản lý của chính quyền địa phương, không phải trách nhiệm của công ty”, ông Ngọc nói.
Trường hợp viện dưỡng lão xây dựng trái phép, ông Ngọc cũng khẳng định không liên quan vì trước đó, các hộ dân ở đây chỉ xây nhà ở, công ty không ký hợp đồng mua bán mà chỉ ký hợp đồng giao khoán. “Trong thời gian người dân sử dụng, người dân xin chấm dứt hợp đồng và chuyển cho người mới thì công ty thực hiện chuyển, không có chuyện mua bán”, ông Ngọc khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch (chủ tịch xã lúc bấy giờ) lại khẳng định: “Không có tình trạng xây dựng nhà xưởng tại đất nông trường, chỉ có người dân chuyển từ trồng chè sang chăn nuôi”.
Trả lời về việc xây dựng viện dưỡng lão, ông Thuận khẳng định được xây từ trước khi Công ty chè Long Phú bàn giao (năm 2015) về cho địa phương. “Địa phương đã yêu cầu dừng xây dựng. Thế nhưng hiện nay, công trình cơ bản đã hoàn thành”, ông Thuận nói và “kêu” khó quản lý đất nông trường vì khi giao đất, chỉ giao chung chung, không ghi rõ chỗ nào được xây dựng nhà ở, chỗ nào là đất làm vườn.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận