Lo ngại khi tội phạm tăng
Chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác năm 2023 của Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Nêu ý kiến về báo cáo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, bức tranh chung cho thấy tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2023 tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản. Trong đó, một số loại tội phạm tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi…
Đại biểu cho rằng, loại tội phạm này không chỉ gây bất an trong nhân dân, mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa.
Phân tích nguyên nhân, đại biểu cho biết, sau đại dịch Covid-19, đời sống còn nhiều khó khăn khiến thu nhập của một số bộ phận nhân dân giảm sút.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, thực hiện hiệu quả còn thấp. Đặc biệt, khâu cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội cho người dân còn hạn chế.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ nguyên nhân để từ đó có phương pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật thời gian qua còn nhiều điều đáng quan tâm. Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng đáng kể về số lượng và tính chất nghiêm trọng trong các vụ bạo lực học đường.
Đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định, có những vụ án liên quan đến tội giết người, nảy sinh từ những mâu thuẫn trong gia đình, để lại nhiều bất an trong nhân dân.
Tội phạm lừa đảo, chiếm đạt tài sản qua mạng internet, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật, đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt vẫn còn diễn biến phức tạp.
"Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ ngành hữu quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp, mạnh mẽ, quyết liệt", đại biểu nêu ý kiến.
"Tội phạm vẫn còn thì phải tiếp tục chống"
Giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu, nhất là câu chuyện "vì sao càng đấu tranh quyết liệt thì tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại càng tăng lên?", Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, có nhiều nguyên nhân.
Theo ông Trí, với các loại tội phạm như tham nhũng, ma tuý... thì tội phạm ẩn rất nhiều. Nếu quyết liệt đấu tranh chống tội phạm loại này thì sẽ càng khui ra nhiều tội phạm hơn.
"Nhưng chắc chắn, so với trước đây, tội phạm tham nhũng đã giảm. Còn giảm bao nhiêu thì cần tiếp tục đánh giá thêm", ông Trí nói.
Còn một nguyên nhân khác, theo ông Trí là có những loại tội phạm đã xảy ra từ trước đây, bây giờ đang tích cực làm rõ để bằng mọi biện pháp thu hồi tài sản về cho Nhà nước, xử lý răn đe những kẻ cầm đầu.
"Tội phạm vẫn còn thì tiếp tục phải chống", ông Trí nhấn mạnh và cho rằng để ngăn chặn tội phạm từ gốc thì một trong những giải pháp là quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa.
"Tôi nghĩ rằng, công tác phòng ngừa liên quan tới cả công tác xây dựng pháp luật, cả việc hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng phải tham gia… Có như vậy, công tác đấu tranh sẽ hiệu quả hơn", ông Trí nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận