Chính trị

“Việt Bắc của miền Nam” và những trận đánh ghi danh sử sách

30/04/2022, 10:18

Khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - kháng chiến Nam bộ được ví như “Việt Bắc của miền Nam”.

Vùng đất này là hậu cứ vững chắc để lực lượng kháng chiến làm bàn đạp tiến công ra bên ngoài và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang...

Đổi thay từ vùng đất bưng biền

Khu căn cứ Xử ủy và Ủy ban hành chính - kháng chiến Nam bộ ở xã Nhơn Hòa Lập. Tuyến đường tỉnh 837 từ Tân Thạnh (Long An) về huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã được đầu tư mở rộng, xe cộ bon bon chở hàng hoá nông sản đi ngược xuôi.

Xã Nhơn Hoà Lập là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não cấp Xứ ủy trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ.

Nhiều lãnh đạo Đảng như: Đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà, Phạm Văn Bạch... đã từng ở đây để lãnh đạo kháng chiến.

img

Ngôi nhà làm việc của đồng chí Lê Duẩn được phục dựng trong khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - kháng chiến Nam bộ

Cảm nhận của chúng tôi là cuộc sống của người dân ở vùng đất heo hút này đã thay đổi từng ngày. Những hàng cây xanh mướt, đường bê tông uốn lượn cặp kênh Dương Văn Dương, đường vào từng xóm, ấp được bê tông hóa, cầu bắc qua kênh bằng bê tống cốt thép thay thế cho những cây “cầu khỉ”.

img

Cây cầu sắt bắc qua kênh Dương Văn Dương được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động xây dựng hơn 7,5 tỷ đồng

Nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, cùng với đầy đủ phương tiện sinh hoạt không khác gì nơi thị thành.

Điểm nhấn ở đây là cây cầu sắt hoành tráng bắc qua kênh Dương Văn Dương vào khu căn cứ Xử ủy và Ủy ban hành chính - kháng chiến Nam bộ do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động xây dựng với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng đã giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn rất nhiều.

Ông Lê Văn Mới (93 tuổi, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập) cho biết, vùng này được chọn làm căn cứ kháng chiến từ chống Pháp đến chống Mỹ bởi địa hình hiểm trở, rừng tràm dày đặc bao phủ. Hồi đó gần như không có đường bộ để đi vào khu kháng chiến, muốn đi vào chỉ có xuồng. Tất cả cán bộ, hàng hoá, vũ khí đều đi bằng kênh rạch.

Ông Nguyễn Tấn Thành (70 tuổi, nguyên Chủ tịch xã Nhơn Hòa Lập) cho biết thêm, trước năm 1975, vùng này duy nhất chỉ có đường kênh Dương Văn Dương, nhưng cũng là đường đất đắp. Bà con muốn mua sắm gì phải đi xuồng ra trung tâm huyện mất cả ngày trời.

“Giờ tuyến đường đất kênh Dương Văn Dương đã được thảm nhựa, nâng cấp lên đường tỉnh 837, đi xe máy vài chục phút đã đến trung tâm huyện, thỏa sức mua sắm”, ông Thành nói.

Theo ông Đinh Văn Định, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập, địa phương được tỉnh, huyện, nhân dân và các mạnh thường quân đóng góp xây dựng nhiều công trình giao thông với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng.

Trong đó, có 2 tuyến đường tỉnh 837, 837B đi qua được nhựa hóa và trên 100km đường liên ấp, liên xã, đường ngõ, xóm được bê tông và nhựa hóa đảm bảo lưu thông thuận lợi trong mùa mưa, lũ. Năm 2000, xã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân, năm 2021 xã được công nhận xã nông thôn mới.

Những trận đánh đi vào lịch sử

img

Ông Lê Văn Mới (93 tuổi) người đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ

Nhớ lại thời kỳ thành lập khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - kháng chiến Nam bộ, ông Lê Văn Mới kể: “Lúc đó, tôi đã thoát ly gia đình tham gia cách mạng, làm cán bộ bộ đội địa phương của huyện Mộc Hóa, đóng quân trên địa bàn xã Nhơn Hòa Lập.

Vùng đất này trở thành “Việt Bắc của miền Nam”, với sự hiện diện của các cơ quan lãnh đạo cách mạng cấp Xứ, cấp Khu, cấp tỉnh. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra như: Đại hội đại biểu Xứ ủy Nam bộ, nơi thành lập Đài Phát thanh Nam bộ đầu tiên, xưởng in tiền…”.

Theo ông Nguyễn Kim Quy, cựu chiến binh xã Nhơn Hòa Lập, vùng đất này trở thành hậu cứ vững chắc để lực lượng kháng chiến làm bàn đạp tiến công ra bên ngoài và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang như: Chiến thắng trận Giồng Dinh năm 1947, trận Mộc Hóa năm 1948.

Cụ thể, đầu tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định lên kế hoạch tổ chức đánh trận Mộc Hóa. Lực lượng tham gia gồm Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307. Trung đội du kích tập trung của huyện và du kích 3 xã xung quanh, dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Chánh, Tham mưu trưởng Khu 8.

Đêm 16/8/1948, quân và dân ta nổ súng mở đầu trận đánh Mộc Hóa lịch sử theo chiến thuật “Công đồn, đả viện”. Kết quả, sau 3 ngày chiến đấu đầy mưu trí và dũng cảm, quân và dân ta đã đánh thiệt hại một tiểu đoàn địch, bắt sống một số tên cầm đầu, trong đó có Trung úy đồn trưởng Louis Bertrand, thu hàng trăm súng các loại.

Vùng đất này sau đó cũng là căn cứ kháng chiến của quân và dân Nam bộ trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó giám đốc Sở VH, TT&DL Long An cho biết, sau hoà bình lập lại, nơi đây đã trở thành khu di tích lịch sử căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - kháng chiến Nam bộ với diện tích 3ha, có 25 hạng mục công trình.

Trong đó, tiêu biểu là gian nhà trưng bày quá trình hoạt động phong trào kháng chiến chống Pháp tại Nam bộ, 6 ngôi nhà phục dựng với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng.

img

Tuyến ĐT 837 nối QL62 với xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đi ngang qua khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính – khánh chiến Nam bộ

Theo ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, xã Nhơn Hòa Lập có 23 mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 63 thương binh, 11 bệnh binh, 84 liệt sĩ và hơn 320 gia đình người có công.

Phát huy truyền thống cách mạng, huyện Tân Thạnh đã phát động phong trào xây dựng quê hương mới. Để phát triển kinh tế, địa phương chú trọng đầu tư cho giao thông, theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Đến nay, huyện đã xây dựng 100% đường ô tô đến xã, đường bê tông đến tận xóm, ấp, ngõ.

Huyện đang tập trung xây dựng tuyến đường số 3 nối từ trung tâm huyện đến QLN2 và nhựa hóa tuyến đường kênh Cà Nhíp kết nối QLN2. Đồng thời, xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ dọc QLN2, QL62.

“Khi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, các nhà đầu tư sẽ quan tâm. Đó là điều kiện để vùng đất cách mạng năm xưa sánh vai với các địa phương khác”, ông Đông khẳng định.

Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - Kháng chiến Nam bộ (1946 - 1949) tọa lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, là một trong ba căn cứ địa quan trọng của cách mạng miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đây là nơi ở, làm việc và chiến đấu của đồng chí Lê Duẩn và nhiều cơ quan của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang từ cấp Xứ đến Khu, Tỉnh trong thời gian 3 năm từ năm 1946 - 1949, dưới sự đùm bọc, che chở của nhân dân Đồng Tháp Mười.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.