|
Phát biểu khai mạc diễn đàn với chủ đề “Phát huy nội lực, Phát triển bền vững”, điểm lại một số thành tựu của nền kinh tế Việt Nam kể từ 1906 tới nay, ông Bình cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay. Dẫn lại lời GS Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), một người có hơn 20 năm nghiên cứu về Việt Nam rằng “cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.
Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.
“Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn”, ông Bình nói.
Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. Ông Bình dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) rằng, trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nước có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…
Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình và để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) chỉ ra, Chính phủ hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế bởi mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thua so với năm cuối của nhiệm kỳ trước.
Cuối 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho 2017. Nhưng với kết quả 5,1% trong quý 1 này thì 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7%. Từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng này gần như không thể.
Trong ngắn hạn, nền kinh tế không còn dư địa chính sách để “bung” tiếp đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, trong trung hạn chúng ta phải đẩy nhanh tốc độc tái cơ cấu kinh tế.
Theo ông Thành, ngay trong ngắn hạn, nếu “mở khóa” tăng đầu tư công cũng không thể đạt được mục tiêu 6,7% do đó trong điều kiện hiện nay tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,4%-6,5 và mục tiêu duy trì là 6,7% để tạo sức ép lên bộ máy điều hành.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam phải 8-9% chứ không phải chỉ ở mức 7% như hiện nay.
Để đạt được mục tiêu 8-9% nói trên, Viện trưởng CIEM cho hay, Việt Nam còn dư địa khi cải thiện khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy tăng trưởng mạnh ở khu vực kinh tế tư nhân; tạo thuận lợi thúc đẩy giải ngân FDI và ODA đã cam kết (hiện Việt Nam còn hơn 800 tỷ USD cam kết FDI và khoảng 15 tỷ USD ODA đã ký chưa giải ngân).
Bên cạnh đó, ông Cung cũng nêu vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp. “Nếu giảm được 1% chi phí logistics Việt Nam có thêm có 4 tỷ USD, nếu giảm 2% thì có gần 10 tỷ USD. Con số này nằm trong tầm tay”, ông Cung nói.
Đáng chú ý, ông Cung đề ập tới việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm nhất là hai đầu tàu Hà Nội và TP. HCM, trong đó quan trọng là hạ tầng và khả năng kết nối và hai đầu tàu này cũng như phát triển mạnh du lịch Việt Nam…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận