Lê Nguyễn Bảo Thư là nữ sinh đầu tiên của Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh xuống tàu thực tập, cũng là nữ thuyền viên đầu tiên của Việt Nam đi tàu biển
Cục Hàng hải VN cho biết, trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh vừa có nữ sinh Việt Nam được Công ty Stolt Tankers thuộc Tập đoàn Stolt Nelson - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất và vận chuyển hóa chất của Thụy Điển tiếp nhận xuống tàu Stolt Factor làm thực tập sỹ quan. Đây cũng là trường hợp nữ thuyền viên đầu tiên của Việt Nam đi tàu biển.
Thông tin cụ thể hơn, PGS.TS Nguyễn Phùng Hưng, Phó Viện trưởng Viện Hàng hải (Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh) cho biết, nữ thuyền viên này tên Lê Nguyễn Bảo Thư (quê ở Cần Thơ) vừa tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển của trường.
“Lê Nguyễn Bảo Thư được tuyển chọn vào chương trình Học bổng của chủ tàu Stolt Tankers và Công ty TNHH Đào tạo và Nguồn nhân lực Hàng hải (UT - STC) từ năm thứ 3.
Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình tốt nghiệp, Thư đã được đưa qua một cảng biển tại Tokyo, Nhật Bản để xuống tàu thực tập từ ngày 16/1/2021”, ông Hưng thông tin.
Con tàu Slolt Facto - nơi nữ thuyền viên Lê Nguyễn Bảo Thư thực tập sau quá trình đào tạo ở trường
Nhận xét thêm về nữ sinh Lê Nguyễn Bảo Thư, PGS.TS Nguyễn Phùng Hưng cho rằng, quyết tâm theo nghề đi biển của Thư được thể hiện thông qua sự nỗ lực không mệt mỏi trong thời gian học ở trường.
Quá trình đào tạo, có những môn học chuyên ngành, kỹ thuật hàng hải dù không phải dễ đối với nữ nhưng Thư vẫn quyết tâm vượt qua và đạt được kết quả ấn tượng.
“Lê Nguyên Bảo Thư cũng là sinh viên được chọn và hoàn thành xuất sắc luận văn tốt nghiệp với đề tài đấu tranh đòi quyền bình đẳng của nữ giới được học ngành Hàng hải và làm việc trên các tàu biển, trở thành sỹ quan hàng hải, Thuyền trưởng”, PGS.TS Hưng thông tin.
Chia sẻ về công việc hiện tại của nữ sinh này, PGS.TS Nguyễn Phùng Hưng cho biết, thực tập dưới tàu, Thư sẽ phải trải qua các công việc như: trực ca làm hàng, bảo quản tàu biển. Theo thời gian sẽ nâng dần lên làm các công việc: trực ca sỹ quan, làm việc trên buồng lái, điều khiển tàu, sử dụng các trang thiết bị hàng hải.
“Kỳ thực tập của Thư sẽ kéo dài trong 12 tháng. Sau khoảng 6 tháng kể từ ngày xuống tàu, Thư sẽ được nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi tiếp tục đi tàu hoàn thành chương trình thực tập 6 tháng còn lại”, PGS Hưng thông tin thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận