Thủ tướng cho biết, Việt Nam có tầm nhìn, khát vọng về quốc gia thịnh vượng vào mốc lịch sử 100 năm độc lập |
Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) sáng nay (5/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự đóng góp của các dòng vốn tài trợ từ cách đây 25 năm đã giúp Việt Nam có thêm nguồn lực thúc đẩy các cải cách, tăng trưởng và giảm nghèo.
“Việt Nam rất trân quý những hỗ trợ vô cùng quý báu đó của các bạn”, Thủ tướng ghi nhận.
Sau gần 2 thập niên, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2010. Sứ mạng của Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CC3) như đã hoàn thành và chuyển sang giai đoạn mới, không còn là nơi huy động viện trợ cho Việt Nam nữa mà là một Diễn đàn với tên gọi Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) và nay bắt đầu sang một trang mới với tên gọi Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF).
Qua hơn 30 năm đổi mới, Thủ tướng vui mừng thông báo, năm 2018, GDP của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 7%, thu nhập bình quân khoảng 2.540 USD/người; tỷ lệ nghèo tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới thì con số này là 9,8%; tuổi thọ bình quân người Việt Nam đạt hơn 76 tuổi, trong khi bình quân thế giới là 72 tuổi, khu vực Đông Á - TBD là 74,5 tuổi.
“Chúng tôi thừa nhận rằng Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện 3 điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng nhừng kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới đây”, Thủ tướng nhìn nhận.
Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục gửi gắm niềm tin và đồng hành trong thời gian tới, giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau trong thế giới toàn cầu hóa.
Tại Diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ đã lắng nghe và đánh giá cao tham luận của các diễn giả, các chuyên gia quốc tế, trong nước về Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, về động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0 và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển.
“Việt Nam chúng tôi có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập”, Thủ tướng nói.
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng hùng cường, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới.
Nhưng trước các thách thức, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển là chất lượng thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cơ sở hạ tầng
Để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng đang chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và các Chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045 mà Chính phủ đã trình trước Quốc hội mới đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận