Theo Hiệp hội Cảng biển VN, tính tới tháng 11/2023, có khoảng 30 tuyến dịch vụ tàu mẹ từ cảng biển của Việt Nam đi Mỹ và châu Âu.
Với số lượng này, Việt Nam có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu hơn hẳn các nước khác khu vực Đông Nam Á. Các bến cảng khác tại khu vực như Jakarta - Indonesia (3 tuyến), Tanjung Pelepas - Malaysia (14 tuyến), Laem Chabang - Thái Lan (11 tuyến).
Các tuyến tàu mẹ chủ yếu được khai thác tại các khu vực cảng nước sâu của Việt Nam là Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng). Trong đó, từ Cái Mép có khoảng 23 tuyến và tại Lạch Huyện có khoảng 6-7 tuyến.
Về sản lượng tàu mẹ thông qua các cảng tại hai khu vực, tính tới tháng 11/2023, sản lượng tàu mẹ tại khu vực Lạch Huyện đã đạt hơn 1 triệu Teus hàng hóa và tại Cái Mép đạt khoảng 5 triệu Teus.
Dữ liệu từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, khu vực cảng biển Hải Phòng có 2 bến cảng khai thác tuyến châu Mỹ gồm bến cảng TC-HICT và Vip Greenport, không có cảng nào khai thác tuyến châu Âu.
Cụ thể, bến cảng TC-HICT có 6 tuyến với tần suất 6 tàu/tuần, tương đương 24 tàu/tháng của các hãng vận tải biển lớn như: Cosco, Maersk, ZIM, ONE, CMA-CGM, Hapag Lloyd, Yang Ming, Wan Hai. Bến cảng Vip Greenport khai thác một tuyến của hãng tàu Swire.
Ngoài ra, bến cảng MPC Port có tàu Silver Queen (tàu Vinfast thuê) để chở ô tô xuất khẩu sang Mỹ, Canada (đã xuất khẩu được 3 chuyến).
Trong khi đó, theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, khu vực cảng có điều kiện tự nhiên thuận lợi và luồng hàng hải hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận các siêu tàu container hiện nay trên thế giới. Trước đó, tại cảng biển khu vực đã đón được những tàu container lớn có trọng tải khoảng 214.000 - 232.000 DWT vào làm hàng.
Bên cạnh những tuyến dịch vụ tàu mẹ, đại diện Hiệp hội Cảng biển VN thông tin, kích cỡ tàu vào hai khu cảng nước sâu gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, số tuyến dịch vụ khai thác tàu kích cỡ trên 80.000 DWT cập tại Cái Mép chiếm trên 63% và tại Lạch Huyện chiếm 38%.
Cục Hàng hải VN cho biết, Việt Nam có thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu hấp dẫn, thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới, hình thành thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container có tính cạnh tranh cao giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Trước đây khi cảng của Việt Nam chưa đón được tàu mẹ thì hàng hóa đi châu Âu và Mỹ sẽ được trung chuyển sang các cảng chuyển tải ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore…
Các tàu tuyến Á-Âu chủ yếu khai thác đội tàu kích cỡ từ 18.000 Teus trở lên. Việc thiết lập các tuyến dịch vụ của tàu mẹ từ Việt Nam đi thẳng châu Âu, Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho việc Việt Nam sẽ giảm dần và sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào các cảng trung chuyển của khu vực như: Singapore, Hongkong...
Đồng thời, điều này còn giúp hàng hóa của Việt Nam có thể đi thẳng châu Âu, Châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng khác, từ đó giảm chi phí logistics.
Trong vận tải biển, tàu mẹ chỉ phục vụ giữa các cảng lớn và sẽ thực hiện tuyến vận tải chính đường dài. Ở hai đầu hành trình của tàu mẹ sẽ có các tàu nhỏ hoặc sà lan phục vụ cho tàu mẹ trong việc bốc hàng lên hoặc dỡ hàng xuống, để chuyển hàng đến các cảng đích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận