Thị trường

Việt Nam được lợi gì khi tham gia Hiệp định RCEP?

16/11/2020, 13:50

Tham gia RCEP, sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn và góp phần xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu cho Việt Nam...

img
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp...

Doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết tại Hà Nội ngày 15/11, sau 8 năm đàm phán là hiệp định thương mại tự do (FTA) có nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam ngay khi hiệp định này có hiệu lực từ năm 2021.

Đánh giá về tác động của Hiệp định này đến nền kinh tế Việt Nam, đại diện Bộ Công thương cho biết, việc ký kết thành công RCEP đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.

Theo đánh giá từ Bộ Công thương, Hiệp định RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP hay EVFTA bởi thay vì hướng đến mở cửa thị trường, RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN đó là tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.

RCEP có sự tham gia của 15 quốc gia, bao gồm 10 nước ASEAN và các đối tác ngoại khối là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định giúp tiếp cận thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với gần 28% thương mại toàn cầu.

Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực quy tắc xuất xứ, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác ASEAN trong một Hiệp định FTA. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường...

Mở nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cũng theo Bộ này, về lộ trình tự do hóa thuế quan của các bên, Việt Nam chào cho các nước ASEAN và các nước đối tác tỷ lệ tự do hóa thuế quan không cao hơn mức cam kết trong các Hiệp định FTA ASEAN +1 hiện hành. Cụ thể chào cho ASEAN là 90,3%, cho Australia và New Zealand là 89,6%, cho Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%.

Với Trung Quốc, mức chào tỷ lệ tự do hóa thuế quan 85,6% (phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định FTA ASEAN-Trung Quốc và chính sách thuế hiện hành của ta, nhằm giảm tối đa khả năng tăng nhập siêu từ thị trường này khi thực thi Hiệp định RCEP).

Các nước đối tác chào cho Việt Nam tỉ lệ tự do hóa thuế quan cao hơn mức chúng ta chào cho các nước đối tác tương ứng, cụ thể Australia xóa bỏ 92%, New Zealand xóa bỏ 91,4%, Nhật Bản xóa bỏ 90,4%, Hàn Quốc xóa bỏ 90,7% và Trung Quốc xóa bỏ 90,7%", Bộ Công thương thông tin.

Như vậy, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp...Nhờ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra.

"Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực và mở ra những xa lộ mới cho hàng hoá Việt Nam.

Đặc biệt, RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam. Qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của nước ta. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây", Bộ Công thương nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.