Xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 99%
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) được ký kết trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE đang phát triển mạnh mẽ. Việc ký kết Hiệp định sau khoảng thời gian kỷ lục một năm đàm phán với 5 phiên đàm phán chính thức, trong đó có 3 phiên trực tiếp ở cấp Bộ trưởng, là minh chứng rõ rệt cho cam kết đưa hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai bên lên một tầm cao mới.
Hiệp định gồm các nội dung về thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, pháp lý – thể chế.
Trong đó, đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Hiện nay, UAE là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam tiếp cận các thị trường trong khu vực này cũng như các thị trường khác ở Tây Á và châu Phi. Ngoài ra, cơ cấu nền kinh tế và thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau.
Do vậy, CEPA là tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE và tiếp đó là các nước trong khu vực Trung Đông, Tây Á và châu Phi; đồng thời có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và dịch vụ chất lượng của UAE, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Ngược lại, hàng hóa và dịch vụ của UAE sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN thông qua vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
Kỳ vọng hợp tác song phương lên 10 tỷ USD
Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3-4 tỷ USD/năm).
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 9/2024, thương mại song phương Việt Nam và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đạt gần 5 tỷ USD, tăng hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 4,31 tỷ USD, tăng mạnh 43,67% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng 1,31 tỷ USD).
Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Trung Đông này là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 2,54 tỷ USD, tăng 56,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD. Có thể kể đến như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 357 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 380 triệu USD; giày dép các loại đạt 151,2 triệu USD…
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ UAE hết tháng 9 đạt 653,46 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng gần 114 triệu USD).
Hết tháng 9 có 3 nhóm hàng nhập khẩu từ UAE đạt kim ngạch trăm triệu đô gồm: sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 252,77 triệu USD; khí đốt hóa lỏng đạt 187,2 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 128,38 triệu USD.
Hết tháng 9, thương mại Việt Nam - UAE đạt gần 5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 3,66 tỷ USD.
UAE hiện sở hữu nhiều quỹ đầu tư FDI có quy mô lớn nhất thế giới như Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi quản lý 853 tỷ USD, là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới; Tập đoàn Đầu tư Dubai quản lý 320,8 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thế giới; Công ty Đầu tư Mubadala quản lý 276 tỷ USD, đứng thứ 13 trên thế giới; Công ty Phát triển Abu Dhabi quản lý 159 tỷ USD, đứng thứ 16 trên thế giới; Cơ quan Đầu tư Emirates quản lý 87 tỷ USD, đứng thứ 20 trên thế giới…
Tại Việt Nam, UAE có 38 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký 74,1 triệu USD, xếp thứ 52/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam và Việt Nam có 5 dự án đầu tư tại UAE với tổng vốn đăng ký 1,8 triệu USD, theo Thủ tướng, kết quả đầu tư như trên chưa tương xứng với với tiềm năng và kỳ vọng của cả hai bên.
Vì vậy, trong chuyến thăm này, Thủ tướng nhấn mạnh cơ hội, tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và UAE là rất lớn. Với thương mại hai chiều năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, người đứng đầu Việt Nam tham vọng xây dựng kế hoạch kết nối hai nền kinh tế để sớm đạt mục tiêu đưa lên 10 tỷ USD.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư với các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, chip bán dẫn, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật... phù hợp với thế mạnh của UAE cũng như xu thế trên thế giới.
Ông cũng đề nghị Bộ Đầu tư UAE chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài; xem xét, lựa chọn và kết nối các đối tác tham gia hợp tác đầu tư mạnh mẽ, toàn diện với Việt Nam, trong đó có hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận