Đó là thông tin được ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại họp báo công bố Hội nghị AISC 2025, ngày 24/2.
Các tên tuổi lớn được ông Tâm nhắc đến như: Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Qorvo, Marvell cùng nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu khác từ Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) và nhiều quốc gia…
Hội nghị này được tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia ( NIC) và Tổ chức Aitomatic, Hoa Kỳ với chủ đề "Kiến tạo tương lai: Kết nối AI & Công nghệ bán dẫn toàn cầu" sẽ diễn ra từ ngày 12-16/3/2025 tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm.
Ông Nguyễn Đức Tâm cho hay, Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng, khi chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hiện Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn và AI có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều đối tác công nghệ hàng đầu thế giới, do vậy, hội nghị sẽ mang đến cơ hội tiếp cận những thông tin đột phá và khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho hay, khi các tập đoàn, đối tác lớn đầu tư vào Việt Nam sẽ kéo theo làn sóng về chuỗi cung ứng, chuỗi đầu tư khác. Đồng thời, khi có sự xuất hiện của các tập đoàn nước ngoài sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cho chuyên gia Việt Nam được tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới về bán dẫn và AI.
Hiện nay, có khoảng 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của chính phủ đối với các tình thế khẩn cấp.
Song, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư.
Hơn nữa, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong các quy trình sản xuất và kiểm tra bán dẫn phức tạp. Phần lớn công nghệ vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.
Do vậy, việc thu hút các "ông lớn" nước ngoài cần cần nghiên cứu kỹ để doanh nghiệp Việt tránh bị thua thiệt trên sân nhà.
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1018 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Giai đoạn 1 (đến năm 2030) hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ; doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 225 tỷ USD/năm; nhân lực ngành bán dẫn là 50.000 kỹ sư.
Giai đoạn 2 (đến năm 2040) hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn; doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 50 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 485 tỷ USD/năm. Nhân lực ngành bán dẫn đạt 100.000 kỹ sư.
Giai đoạn 3 (đến năm 2050) hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 1.045 tỷ USD/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận