Dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 trong năm 2021, nhưng ngành hàng không bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Sau 10 năm, Vietjet chuyên chở trên 110 triệu lượt hành khách
Riêng Vietjet, kết quả kinh doanh hợp nhất trong quý IV/2021 cho thấy doanh thu từ vận tải hàng không đạt 2.789 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 51.785 tỉ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0.91 lần và chỉ số thanh khoản 1.63 lần, nằm ở mức tốt trong ngành hàng không.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 12.998 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 100 tỉ đồng, tăng 46% so với năm 2020.
Năm 2021, Vietjet đã thực hiện gần 42.000 chuyến bay và vận chuyển trên 5,4 triệu lượt khách trên toàn mạng bay. Với hoạt động vận chuyển hàng hóa, Vietjet đạt doanh thu 2.954 tỉ đồng, tiếp tục ghi nhận tăng trưởng nhanh, với doanh thu tăng trưởng về hàng hóa tăng trên 200% so với cùng kỳ.
Trong năm, Vietjet tiếp tục tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay, giảm phí thuê tàu, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất, các hãng chỉ trả theo mức tối thiểu.
Năm 2021, Vietjet đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm cất cánh chuyến bay đầu tiên (24/12/2011 - 24/12/2021). Sau 10 năm, Vietjet chuyên chở trên 110 triệu lượt hành khách, khai thác và phát triển mạng đường bay rộng khắp trong nước, khu vực và quốc tế.
Tháng 12/2021, Vietjet đón tàu bay thân rộng Airbus A330-300 đầu tiên, sẵn sàng cho kế hoạch khai thác các chặng bay tầm trung và dài lên đến gần 12 nghìn km an toàn, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Đại diện Vietjet cho biết, hãng sẽ tiếp tục thực hiện các dự án chuyển đổi số để thúc đẩy các dịch vụ gia tăng như: cung cấp wireless, mua sắm, logistics, dịch vụ xét nghiệm, y tế, khách sạn... trên các website, App của Vietjet.
Bên cạnh đó, Vietjet đang tăng cường các dịch vụ phục vụ mặt đất, dịch vụ đào tạo phi công, không chỉ phục vụ cho hãng mà còn hướng đến phục vụ cho các hãng hàng không trong khu vực.
Năm 2022, cùng với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế, đặc biệt là sự phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng trên khắp cả nước, ngành hàng không Việt Nam được đánh giá sẽ hồi phục và phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2022 và các năm tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận