Rộng mở cơ hội hợp tác
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vừa phối hợp với Công ty CP Kỹ thuật tàu thủy Việt Nam (VISEC) tổ chức triển lãm Vietship 2025, dự kiến diễn ra từ ngày 5-7/3/2025.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc SBIC cho biết, Vietship là triển lãm quốc tế chuyên ngành hàng hải, công nghệ đóng tàu có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Triển lãm công nghiệp đóng tàu, hàng hải Vietship mở ra cơ hội trao đổi, hợp tác cho các đơn vị tham gia (Ảnh: Hoạt động ký kết hợp đồng tại Vietship 2016).
Triển lãm có sự tham gia của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và đơn vị trong hệ sinh thái liên quan đến đóng tàu và ngành công nghiệp hàng hải. Đây là sân chơi thường kỳ để các đối tác này gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ngoài hoạt động chính là các gian hàng triển lãm về thành tựu, kết quả nổi bật của các đơn vị tham gia, trong khuôn khổ Vietship còn có nhiều hoạt động khác tạo kết nối tốt hơn như: Hội thảo chuyên đề để truyền tải thông tin định hướng về ngành đóng tàu trên thế giới và Việt Nam, các yêu cầu kĩ thuật trong lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển sẽ được áp dụng trong tương lai.
Diễn đàn người mua tạo cơ hội cho người mua và nhà cung cấp có thể gặp gỡ trực tiếp để tìm hiểu năng lực của mỗi bên và trao đổi về cơ hội hợp tác trong tương lai. Các lễ ký hợp đồng giữa các đối tác tại triển lãm…
"Chúng tôi đánh giá lợi ích mà Vietship mang lại khó đong đếm bằng con số cụ thể. Vietship được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, tạo cơ hội để những người làm ngành đóng tàu, vận tải biển, các nhà cung cấp trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm, hiện thực hóa cơ hội hợp tác.
Tính quốc tế của triển lãm Vietship cao, vì thường có đến 50% đơn vị tham gia đến từ nước ngoài, cùng đó là các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Điều đó cho thấy hiệu quả của Vietship, không chỉ thể hiện bằng các hợp đồng được ký kết tại triển lãm, mà còn là giá trị vô hình khi tạo ra sân chơi, mang lại cơ hội cho các đối tác gặp gỡ, hiểu biết lẫn nhau, từ đó xúc tiến các hợp tác cụ thể", ông Đạt nói.
Với giá trị đó mà từ triển lãm Vietship lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002, đến nay đã trải qua 9 kỳ thành công rực rỡ, thu hút được hàng trăm đơn vị tham gia mỗi kỳ triển lãm.
Minh chứng, thời kỳ hoàng kim của ngành đóng tàu, ngành vận tải biển, Vietship 2008 có hơn 600 gian hàng, với sự tham gia của hơn 40 quốc gia, hơn 30 hợp đồng được ký kết tại triển lãm. Vietship 2010 với hơn 500 gian hàng, 30 quốc gia và hơn 20 hợp đồng được ký kết.
Ngay cả trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng thị trưởng vận tải biển, nhu cầu đóng tàu giảm, Vietship 2018 vẫn có 165 gian hàng, 13 quốc gia và 12 hợp đồng, thỏa thuận được ký kết với tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng.
Vietship 2025 - Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Phó tổng giám đốc SBIC Nguyễn Tiến Đạt cho biết, Vietship được tổ chức định kỳ 2 năm/kỳ. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, đã gián đoạn vì nhiều lý do, trong đó ảnh hưởng chủ yếu bởi đại dịch Covid-19.
Năm 2024, SBIC và VISEC quyết định tái khởi động, chuẩn bị kỹ lưỡng, để tổ chức Vietship 2025 vào đầu tháng 3 với chủ đề "Công nghệ đóng tàu và Công trình ngoài khơi".
Chia sẻ về chủ đề bổ sung kỳ Vietship năm nay, ông Đạt cho biết, công trình ngoài khơi, nhất là công trình liên quan đến năng lượng tái tạo, điện gió đang là xu thế mới. Vì thế, ban tổ chức quyết định mở rộng sân chơi hơn, tạo nhiều cơ hội hơn.

Các kỳ Vietship có hàng trăm gian hàng trưng bày với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ các quốc gia (Ảnh: Vietship 2018).
Với chủ đề này, có hai nhóm tham gia triển lãm: Nhóm các đơn vị sản xuất chế tạo như đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN); Nhóm nhà cung cấp các thiết bị, giải pháp phục vụ cho công trình ngoài khơi như nhà cung cấp dây cáp điện, sơn, vật liệu hàn…
Trong đó, các doanh nghiệp đóng tàu thuộc SBIC có thể tham gia đóng tàu, phương tiện phục vụ cho công trình ngoài khơi như tàu dịch vụ điện gió, pông tông nổi, chế tạo các kết cấu, module…
Chủ đề năng lượng xanh, phương tiện xanh, bảo vệ môi trường đang là chủ đề "nóng" trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tại Vietship 2025, nội dung này cũng được đưa ra. Theo đó, tại các hội thảo chuyên đề sẽ có nhiều bài tham luận về xu hướng, về các yêu cầu, các giải pháp xanh trong tương lai.
Các nhà cung cấp cũng sẽ đưa ra các giải pháp, thiết bị phù hợp với tương lai về bảo vệ môi trường. Thông qua đó, các nhà đầu tư, các nhà thiết kế có thông tin để tìm hiểu, lựa chọn các sản phẩm, giải pháp hiệu quả nhất, đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, theo ông Đạt, ngành đóng tàu mang tính quốc tế nên việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển mạnh công nghiệp đóng tàu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, cả về cung cấp thiết bị và giá bán. Vì thế, thông qua các kỳ Vietship, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm kiếm được thị trường ngách, phù hợp với năng lực, cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn quốc tế và khu vực.
Riêng với Vietship 2025, được tổ chức sau nhiều năm gián đoạn, đến nay đã có sự góp mặt gần 200 gian hàng của hơn 100 nhà trưng bày, kỳ vọng là nơi hội tụ và trưng bày các công nghệ tiên tiến nhất trong các lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu thủy, thiết bị hàng hải, xây lắp công trình biển và cung ứng kỹ thuật công trình ngoài khơi.
"Nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững, Triển lãm Quốc tế Vietship 2025 không chỉ là dịp để giới thiệu những công nghệ tiên tiến mà còn đóng vai trò là cầu nối thúc đẩy hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải, công nghệ đóng tàu và công trình ngoài khơi", Phó TGĐ Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh.
Triển lãm Quốc tế Vietship 2025 - Công nghệ đóng tàu và Công trình ngoài khơI, sẽ diễn ra từ ngày 5-7/3/2025, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.
200 gian hàng của hơn 100 nhà trưng bày tại triển lãm, trong đó 50% là doanh nghiệp nước ngoài đến từ Na Uy, Hà Lan, Trung Quốc, Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore. Đa dạng các lĩnh vực trưng bày: Phương tiện và các dịch vụ vận tải hàng hải; Dịch vụ hậu cần hàng hải; Thiết kế; Đăng kiểm; Tư vấn; Đại lý hàng hải; Nghiên cứu và đào tạo hàng hải; Báo chí hàng hải.
Trong đó có các lĩnh vực nổi bật như: Thiết bị, vật liệu và công nghệ đóng mới, sửa chữa tàu thủy; Thiết bị và công nghệ khai thác dầu khí ngoài khơi; Thiết bị và công nghệ điện gió ngoài khơi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận