Nợ vay tài chính chiếm gần 50% cơ cấu nợ
Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (HoSE: QNP) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 275,1 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Khấu trừ chi phí, Cảng Quy Nhơn báo lãi tăng 64,4% lên mức 31,7 tỷ đồng. Giải trình về biến động lợi nhuận, QNP cho biết nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng hàng hóa quý I/2024 thông qua Cảng Quy Nhơn đạt hơn 2,8 triệu tấn, tăng trưởng 45%.
Trong kỳ, tổng tài sản của Cảng Quy Nhơn đạt 1.325 tỷ đồng, tăng 4,5% so với số đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của QNP là 81,9 tỷ đồng, chủ yếu ở dự án Đầu tư xây dựng, nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn (74,1 tỷ đồng).
Được biết, trong năm 2023, doanh nghiệp đã tạm tăng tài sản cố định đối với dự án, nguyên giá tạm tăng hơn 363 tỷ đồng, phần chi phí dang dở của dự án được thực hiện tăng tài sản sau khi quyết toán dự án hoàn thành.
Đặc biệt, tính đến hết quý I/2024, Cảng Quy Nhơn đang có hơn 10 tỷ đồng (tăng 31,5%) nợ xấu khó thu hồi từ nhiều đối tác như Công ty Cổ phần Vinaline Nha Trang, Công ty Cổ phần Nhựa đường Minh Đạt hay Công ty TNHH Sông Kôn…
Hiện tại, tổng nợ phải trả của Cảng Quy Nhơn đạt 463,7 tỷ đồng, tăng 6% so với số đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính dài hạn ghi nhận ở mức 231,6 tỷ đồng, chiếm gần 50% cơ cấu nợ. Vốn chủ sở hữu là 463,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,8 %.
Mới đây, Cảng Quy Nhơn cũng đã chuyển nhượng thành công toàn bộ 20% vốn tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghiệp Hàng hải (Inseco). Theo báo cáo tài chính, giá trị đầu tư của QNP vào Inseco ở mức 7,6 tỷ đồng, với giá hợp lý tại quý I đạt gần 13,3 tỷ đồng.
VIMC thoái vốn tại Cảng Quy Nhơn
Tại ĐHĐCĐ năm nay, cổ đông Cảng Quy Nhơn đã thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 là 1.247 tỷ đồng, tăng 28% so với thực hiện năm 2023; Lợi nhuận trước thuế giảm 20%, về 115 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân giảm mục tiêu lợi nhuận, lãnh đạo QNP cho biết trong năm 2024, doanh nghiệp còn phải trả thêm chi phí lãi vay và tiền thuê đất, tổng giá trị dự kiến khoảng 50 tỷ đồng, qua đó khiến lợi nhuận giảm.
Đáng chú ý, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cũng thông tin cho cổ đông về lộ trình thoái vốn của công ty mẹ. Theo đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) dự kiến giảm sở hữu vốn tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn xuống còn 61%.
Trường hợp đề án được thông qua, HĐQT công ty sẽ xây dựng lộ trình tăng vốn, nhằm thực hiện các dự án đầu tư phát triển, như dự án đầu tư cảng cạn ICD...
Cuối tháng 3/2024, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030, nêu rõ điều chỉnh vốn đầu tư của dự án từ 50 tỷ đồng lên 67,7 tỷ đồng; trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 20,3 tỷ đồng và vốn vay là 47,4 tỷ đồng.
Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành, cũng có sự điều chỉnh.
Cụ thể, từ quý II/2021 đến quý IV/2023, sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư để được bàn giao mặt bằng; Từ quý I đến quý II/2024 tiến hành đầu tư hạ tầng hạng mục bãi chứa hàng; từ quý II đến III/2024 sẽ đầu tư hạng mục đường giao thông; Từ quý IV/2024 đến quý I/2025, tiến hành đầu tư mua sắm thiết bị xếp dỡ và hoàn thành các hạng mục còn lại đưa dự án đi vào hoạt động.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Cảng Quy Nhơn cũng đã hoàn thành việc nâng cấp bến số 1 với tổng mức đầu tư hơn 546 tỷ đồng, giúp nâng tổng chiều dài bến lên 480m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu container 30.000 DWT đầy tải. Việc nâng cấp nhằm đón lượng hàng thông qua cảng đến năm 2025 dự kiến đạt 15 triệu tấn/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận