Quản lý

Vinalines tiếp tục xử lý “cục máu đông”

22/07/2015, 05:46

Nhiều nút thắt trong tái cơ cấu tài chính đã được tháo gỡ, nhiều khoản nợ của Vinalines đã được xử lý.

17
Không tàu nào của Vinalines phải ngừng hoạt động vì thiếu nguồn hàng - Ảnh: Khánh Linh

Tổng số các khoản nợ của Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), dù đã rất nỗ lực, đến nay mới giải quyết được 25%. Vì vậy, Vinalines còn một quãng đường rất dài để tái cơ cấu tài chính, giải quyết “cục máu đông” này mới có thể CPH và trở lại hoạt động hiệu quả. 

Sản xuất kinh doanh tốt vẫn lỗ

Vinalines vừa báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm hoàn thành các chỉ tiêu SXKD đề ra, tuy nhiên “các khoản nợ lớn vẫn là gánh nặng đè lên nỗ lực thoát lỗ của các đơn vị”.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Vinalines muốn “lột xác” cần phải tiếp tục nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao và cũng cần có thời gian. Tái cơ cấu quản trị DN và tái cơ cấu tài chính là xương sống và nhiệm vụ sống còn của Vinalines. Với các tổ chức tín dụng, việc cho rằng Vinalines có thể nhanh chóng phục hồi và có thể giữ nguyên được vốn cho vay là ảo tưởng, trong tình huống này chỉ có thể lựa chọn lấy cái đỡ xấu hơn mà thôi.

Theo ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines, dù Vinalines lãi 124 tỷ đồng, song toàn Tổng công ty dự kiến vẫn lỗ 197 tỷ đồng (theo tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp, không bao gồm các đơn vị đang thực hiện thủ tục phá sản).

“Lỗ còn lớn hơn rất nhiều, nếu toàn Vinalines không nỗ lực hết sức, tập trung cho hiệu quả SXKD. Trong 6 tháng đầu năm, toàn bộ đội tàu của Vinalines, không tàu nào phải ngừng hoạt động vì thiếu nguồn hàng. Rất nhiều giải pháp đã được áp dụng giúp phát triển thị trường, giữ và thu hút khách hàng, cắt giảm tối đa chi phí, ông Sơn nói và cho biết, toàn bộ các DN vận tải, hiện chỉ có ba DN còn dương vốn chủ sở hữu nên không lỗ. Số DN còn lại vốn chủ sở hữu không còn, do công nợ lớn nên dù sản lượng, doanh thu tăng trưởng tốt, cũng không bù lại được lãi vay. Lỗ ở đây chủ yếu là lỗ lũy kế, do các khoản nợ vẫn rất lớn.

Thực tế, tiền đầu tư của các DN vận tải thuộc Vinalines đều đi vay. Nên dù lãi suất ngân hàng từ chỗ lên tới 18-20% đã giảm về mức 10-12%, song vẫn cao hơn thực tế lãi suất thị trường hiện chỉ có 7-8%. Đa số tàu được mua vào giai đoạn 2007-2008, khi thị trường đang lên, giá tàu rất cao, do đó khấu hao tàu cũng rất lớn. Chẳng hạn, tàu 70 triệu USD, khấu hao mỗi năm khoảng 7 triệu USD.

“Do đó, tái cơ cấu nợ là cơ hội sống còn cho DN. Nếu không xử lý được “cục máu đông” này, mọi cố gắng SXKD cũng vô vọng”, ông Sơn cho biết.

Đưa công nợ về mức chấp nhận được

Suốt thời gian qua, nhiều nút thắt trong tái cơ cấu tài chính đã được tháo gỡ, nhiều khoản nợ của Vinalines đã được xử lý. Đến nay Công ty mẹ Vinalines đã xử lý giảm nợ được gần 3.700 tỷ đồng, tương đương với 25% công nợ, trong đó gồm cả các khoản nợ trong nước và nước ngoài. Giải pháp xử lý các khoản nợ trên chủ yếu là tổ chức bán nợ thông qua Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và một phần nhận hoán đổi các khoản thoái vốn của Vinalines để cấn trừ nợ.

Ông Lê Anh Sơn cho biết đang cố gắng tiến hành CPH Công ty mẹ Vinalines trong quý III năm nay. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Vinalines đã tiến hành CPH năm doanh nghiệp là các cảng Nghệ Tĩnh, Cần Thơ, Năm Căn, Cam Ranh và Sài Gòn. Cùng đó, Vinalines đã hoàn thành thoái vốn tại 11 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp thoái vốn lên 32.

Theo ông Lê Anh Sơn, đàm phán giảm được 1/4 số công nợ vừa qua là chặng đường vô cùng khó khăn từ cuối năm 2013 đến nay. Có những khoản nợ ngân hàng nước ngoài, đàm phán rất căng thẳng theo đúng nghĩa thị trường, rất may không có ưu tiên ưu đãi gì, cuối cùng Vinalines cũng đạt được mục tiêu đề ra.

“Với các khoản nợ còn lại, hiện Vinalines đang tập trung đàm phán với một số ngân hàng lớn như Vietinbank, ACB... Tổng số dư nợ của Vinalines tại các ngân hàng này khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Đàm phán chắc chắn sẽ nhiều khó khăn, song Vinalines xác định quyết tâm xử lý, thương thuyết, đàm phán với các chủ nợ. Xử lý tái cơ cấu giảm nợ, giãn nợ đến nay không chỉ là vấn đề thực hiện mục tiêu đề án tái cơ cấu, mà là vì chính sự sống còn của DN”, ông Sơn cho biết.

Liên quan đến việc giải quyết vấn đề công nợ của Vinalines, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, để thành công, công nợ phải đưa về mức có thể chấp nhận được, quanh mức 3 nghìn tỷ đồng. Vấn đề tái cơ cấu tài chính Vinalines được Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị, phải có quyết tâm cao nhất.

Về vấn đề này, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC cho rằng, theo đánh giá của nhiều bên, nếu ngân hàng muốn thu được tiền ngay, giải pháp đàm phán bán nợ cho DATC là khả thi hơn cả. Bởi ngành vận tải biển chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, tình thế nội tại Vinalines cũng rất khó khăn nên nguồn tiền hiện tại để trả nợ không có, nguồn thu dự kiến trong tương lai gần cũng rất khó.

“DATC sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán với các tổ chức tín dụng. Song phải nói rõ là các ngân hàng nên thực tế, nhìn vào thực trạng của Vinalines để xác định hiện trạng khoản nợ của mình, xác định mức bán nợ sao cho hợp lý để các bên có thể ngồi lại với nhau. Nếu đòi mức giá cao quá thì vừa mất thời gian đàm phán, vừa khó tìm tiếng nói chung”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.