Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện đề án khu TMTD trình Chính phủ vào cuối năm 2024 theo yêu cầu.
Một góc khu vực Cảng Liên Chiểu gắn với Khu TMTD. Ảnh Kim Liên.
Trong 10 vị trí đề xuất làm các phân khu chức năng, đáng chú ý là vị trí dự kiến lấn biển dọc theo bờ biển đường Nguyễn Tất Thành ra vịnh Đà Nẵng - đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến giáp Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Vị trí này cách bờ biển dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành khoảng 1km trong khu vực có độ sâu khoảng 7,2 - 11m.
Tháng 6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng (có hiệu lực từ 1/1/2025).
Trong đó, việc thí điểm thành lập khu TMTD đầu tiên của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để Đà Nẵng bước vào "kỷ nguyên vươn mình", hướng đến trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á vào năm 2045.
Theo định hướng, khu TMTD Đà Nẵng sẽ là trung tâm sản xuất, logistics, thương mại, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao gắn với Cảng biển Liên Chiểu; là động lực phát triển mới, phát triển bền vững, bảo đảm môi trường, quốc phòng và an ninh…
Quy mô diện tích khu TMTD Đà Nẵng đến năm 2035 đạt khoảng 2.400ha, sau năm 2035 đạt khoảng 3.000ha.
Một phần hạ tầng dùng chung của Cảng Liên Chiểu vào tháng 7/2024. Ảnh Kim Liên.
Trong tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi thị sát khu vực Vịnh Đà Nẵng và đồng ý chủ trương cho phép Đà Nẵng lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển khu TMTD nhưng "cần nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề nguyên vật liệu san lấp".
Vịnh Đà Nẵng được đánh giá hội tụ nhiều tiêu chí phù hợp về vị trí địa lý, môi sinh, diện tích, tính kết nối… bậc nhất hiện tại để phát triển khu thương mại tự do. Thành phố cũng đã khoanh vùng sơ bộ vị trí lấn biển làm khu TMTD nằm tại vịnh Đà Nẵng.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng nhận định: "Khu vực dự kiến lấn biển xây Khu TMTD Đà Nẵng là khu vực không có bờ biển nên không phát triển được du lịch. Vì vậy, lấn biển ở khu vực này là hoàn toàn phù hợp".
Cũng theo ông Bình, khi lấn biển sẽ còn tạo thành bờ kè chắn sóng chắc chắn cho tuyến đường Nguyễn Tất Thành.
Đồng tình với quan điểm này, TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đánh giá, việc dành trên dưới 1.000ha lấn biển để phục vụ khu TMTD chỉ chiếm chưa tới 1/10 diện tích của vịnh Đà Nẵng, con số này "không có vấn đề".
Bởi, nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc đã từng lấn đến 30% diện tích các vịnh để phát triển kinh tế, thương mại.
Cũng theo TS Dư Văn Toán, với kinh nghiệm đã nghiên cứu nhiều hình mẫu mở rộng không gian về phía biển trên thế giới, vịnh Đà Nẵng hoàn toàn có lợi thế để lấn biển, tạo không gian phát triển cho thương mại, dịch vụ hay thậm chí là du lịch chất lượng cao, sinh thái…
Trong khi đó, giải đáp cho những lo ngại về bảo vệ môi trường biển, chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Đà Nẵng, nguyên Phó giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: "Khu vực dự kiến lấn biển xây Khu TMTD Đà Nẵng không nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên, nơi đây khá nghèo nàn về các loài sinh biển.
Nếu đã có chủ trương, Đà Nẵng nên mạnh dạn nghiên cứu để đánh giá xem có triển khai được hay không và triển khai như thế nào".
Khu vực lấn biển cũng không thuộc khu bảo tồn. Ảnh Kim Liên.
Thực tế trên thế giới, việc lấn đất ra các vịnh biển để tạo quỹ đất mới cho phát triển giao thương, dịch vụ không còn xa lạ và đã chứng minh được hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo các tiêu chí bền vững. Vịnh Marina của Singapore là một điển hình.
Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands - tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino nơi đóng góp tỷ lệ không nhỏ vào GDP hằng năm cho đảo quốc sư tử, hay rừng nhân tạo Gardens by the Bay 101 ha, công viên tự nhiên lớn nhất, điểm du lịch đắt khách tại Singapore đều được xây dựng trên đất lấn từ vịnh Marina.
Biểu tượng Marina Bay Sands được xây trên vịnh Marina. Ảnh Istock.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, cảng Thiên Tân cũng có 107km2 đất lấn biển từ Vịnh Bột Hải. Năm 2022, đây là cảng biển đứng thứ 4 thế giới về lượng hàng hóa thông qua và thứ 3 về sản lượng container với hơn 400 triệu tấn hàng hóa và hơn 30 triệu TEU container.
Kỳ tích lấn biển của Dubai được hiện thực hóa trên Vịnh Ba Tư. Các công trình đang hiện diện tại đây như quần đảo cây cọ Palm Jumeirah; "ngọn tháp của Ả Rập" Burj Al Arab cao 321m, được xem là "khách sạn 7 sao đầu tiên" trên thế giới…
Odaiba là một đảo nhân tạo gần vịnh Tokyo, được tạo dựng từ những năm 1960, nay đã sầm uất với các khu dân cư, điểm đến du lịch nổi tiếng cùng tòa phức hợp đa năng Palette Town (bao gồm trung tâm mua sắm, trung tâm truyền hình Fuji, các khách sạn, văn phòng và khu vui chơi giải trí).
Đảo cọ Palm Jumeirah nổi tiếng của Dubai. Ảnh Istock.
Một hình mẫu lấn biển thành công, minh chứng cho kỹ thuật, công nghệ tân tiến của Nhật Bản còn phải kể đến Sân bay quốc tế Kansai nằm trên đảo nhân tạo ở vịnh Osaka.
Trở lại với Đà Nẵng, vị trí lấn biển để phát triển khu TMTD tại Vịnh Đà Nẵng được khoanh vùng gần cảng biển Liên Chiểu - một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam và gần với dự án tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.
Bản đồ 10 vị trí đề xuất xây dựng các phân khu chức năng thuộc Khu TMTD Đà Nẵng.
Theo các chuyên gia, cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn, xem diện tích cần phải lấn biển để đủ dư địa phát triển không chỉ cho thành phố mà cho cả một khu vực, và để phù hợp với khu TMTD cũng như các định hướng phát triển kinh tế trong dài hạn, nhất là khi Đà Nẵng được định hướng phát triển vươn tầm quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận