Chia sẻ hành trình gian nan tìm kiếm con tại chương trình "Thắp sáng ước mơ gia đình hiếm muộn" do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức vào ngày 19/5, chị Cao Thị Hằng rưng rưng xúc động.
Kết hôn năm 2004, nhưng sau đó là hành trình dài vợ chồng chị Hằng "tìm" con. Ròng rã suốt 5 năm, ai chia sẻ nơi nào chữa được anh chị cũng tìm đến. Và hạnh phúc tìm đến khi chị Hằng đậu thai bằng phương pháp IVF. Cô con gái đầu lòng chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình hai bên nội ngoại.
5 năm sau, vợ chồng Hằng tiếp tục tìm đến bệnh viện thực hiện IVF với mong muốn có thêm con. Tuy nhiên, hành trình lần này quá gian nan, khi 20 lần chuyển phôi đều thất bại mà không tìm ra nguyên nhân. "Hai vợ chồng đã có lúc nghĩ tới việc từ bỏ vì khó khăn và dường như không tìm thấy tia hy vọng nào", chị Hằng nói.
Quyết tâm đặt cược lần cuối để không phải hối hận, vợ chồng Hằng tìm đến bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Sau khi nghe tiền sử sản khoa nặng nề, chuyển phôi thất bại nhiều lần, BS Hiền tư vấn chị Hằng chọc trứng tạo phôi, nuôi và theo dõi bằng hệ thống tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo Timelapse. Từ đó, các bác sĩ và chuyên viên phôi học nhận ra những bất thường của một số phôi. Theo dõi liên tục để đánh giá chất lượng phôi, các bác sĩ đã chọn ra phôi tốt nhất để chuyển vào buồng tử cung. "Hai vợ chồng đã rơi nước mắt khi nhận được tờ thông báo kết beta có thai khi ấy. Nhờ vậy, giờ đây gia đình đã có thêm một thành viên nhí mới, rất kháu khỉnh", chị Hằng chia sẻ.
Gia đình chị Hằng là một trong hàng ngàn gia đình hiếm muộn đã tìm được cơ hội có con nhờ các kỹ thuật y tế tiên tiến và sự tận tâm của các y bác sĩ. Gặp lại bệnh nhân được mình và các đồng nghiệp hỗ trợ sinh sản, BS Hiền xúc động: "Nhiều gia đình là bệnh nhân của bệnh viện đã đưa các em bé đến để tri ân, giao lưu tại chương trình này. Sự xuất hiện của họ là động lực giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn đang được điều trị tin tưởng hơn vào hành trình tìm kiếm con. Chúng tôi rất hạnh phúc khi được góp phần vào các hành trình đó, giúp họ gặt hái trái ngọt".
Còn BS Phạm Văn Hưởng, Phó giám đốc BV, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản cho biết: "Mong mỏi có con đối với mỗi người, mỗi gia đình là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên, đôi khi điều đó không dễ dàng với nhiều gia đình. Trong điều trị hiếm muộn, rào cản lớn nhất chính là vấn đề tài chính. Với chương trình Tuần lễ Vàng chúng tôi đã hỗ trợ thiết thực trong thăm khám và điều trị hiếm muộn, rút ngắn hành trình tìm con của họ".
Trong suốt 15 năm đi vào hoạt động, đến nay Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn đã có 10 năm tổ chức Tuần lễ Vàng hỗ trợ cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn tìm kiếm được cơ hội làm cha, làm mẹ với nhiều gói hỗ trợ. Riêng năm 2024, Tuần lễ Vàng tiếp tục gói hỗ trợ miễn phí 100% thụ tinh ống nghiệm cho 15 cặp vợ chồng hiếm muộn và miễn phí 105 gói điều trị từng phần như sàng lọc phôi mang gen bệnh, thụ tinh nhân tạo, vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng, nội soi thăm dò buồng tử cung…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận