Đoạn đường nhộn nhịp ngày nào nay vắng khách |
Năm 2008, dư luận cả nước xôn xao trước tin ông Hoàng Kiều sẽ đưa cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Sau đó bà con còn sốc hơn khi ông Hoàng Kiều bỏ hàng chục tỷ đồng mua đất và triển khai xây dựng hàng loạt công trình phục vụ cho cuộc thi trên khiến giá đất ở đây tăng lên vùn vụt. Thế nhưng...
“Một phút huy hoàng rồi chợt tắt”
Thông tin trên khiến người dân khắp vùng ĐBSCL và đặc biệt là người dân ở hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre háo hức chờ đợi viễn cảnh những người đẹp chân dài từ khắp năm châu bốn bể sẽ đổ về cù lao Thới Sơn thi Hoa hậu Thế giới. Người dân miệt vườn sông nước lúc này đi đâu cũng bàn tán đợi cái ngày họ sẽ tận mắt chứng kiến, được ngắm các “chân dài” mặc bikini đi tới, đi lui phô diễn những đường cong tuyệt mỹ bên bờ con sông Tiền nhiều phù sa bồi đắp… Thế rồi tất cả đều vỡ mộng ngắm “chân dài tắm sông” khi có thông tin chính thức là cuộc thi hoa hậu quốc tế chuyển đi nơi khác.
Những ngày giáp Tết Ất Mùi 2015, chúng tôi tìm về cù lao “hoa hậu” nổi tiếng một thời này để nghe tâm sự của người dân đã có những tháng ngày sống trong ước mơ, đổi đời… Anh Nguyễn Công Trực (ấp Thới Thuận) bảo, trước đây trên cù lao này có hơn 100 người làm nghề chèo thuyền đưa khách du lịch. Kèm theo đó là hàng chục hộ mua bán nhỏ tạo được cuộc sống ổn định cho gia đình thì nay chỉ còn khoảng 20-30 người. Số còn lại phải sang nhiều địa phương khác tìm kế sinh sống. “Nguyên nhân cũng do cuộc thi Hoa hậu Thế giới của ông Hoàng Kiều mà ra…”, anh Trực nói!
Được biết, năm 2008, sau khi UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt Dự án Khu du lịch sinh thái Thới Sơn do Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang làm chủ đầu tư nhằm mục đích tổ chức vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới vào cuối năm 2010 (trong lúc Chính phủ vẫn chưa có ý kiến) thì giá đất trên cù lao này tăng vọt từng giờ. Từ 400-500 triệu đồng lên 1 tỷ, 2 tỷ rồi 3 tỷ đồng/ha. Người đầu tiên “chơi sang” khiến giá đất tăng chóng mặt là ông Hoàng Kiều (Việt kiều Mỹ) tuyên bố đầu tư gần 30 tỷ đồng mua 2,3 ha đất của nhà lão nông Nguyễn Văn Tư để làm các công trình phục vụ cho cuộc thi hoa hậu.
Ông Tư kể: “Khi ông Hoàng Kiều và lãnh đạo Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang tìm đến hỏi mua đất, tui dự định sẽ kêu bán 2 tỷ đồng/ha, nếu họ trả 1 tỷ đồng/ha cũng bán. Không ngờ ông Hoàng Kiều đưa luôn cái giá 30 tỷ đồng và nói đưa trước 12 tỷ đồng đặt cọc, số còn lại sẽ trả trong 5 tháng. Nếu trong thời gian này mà không mua thì ổng mất luôn tiền cọc. Nghe ông Hoàng Kiều nói thế, tui sướng cả người bán liền cái rụp!”.
Khu du lịch Thới Sơn 1 đã từng nằm trong dự án của ông Hoàng Kiều |
Bỏ luôn 12 tỷ đồng
Không những thế, ông Hoàng Kiều còn mua thêm hơn 17 ha đất tại ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho) để xây dựng khu du lịch sinh thái phục vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới với giá cao ngất ngưởng khiến dân cù lao lên cơn sốt tranh nhau bán đất với hy vọng đổi đời!
Ngay sau khi mua đất, ông Hoàng Kiều đã cho xây dựng tốc hành 500 nhà nghỉ dạng bungalow theo kiến trúc dân dã Nam Bộ nhưng đầy đủ tiện nghi phục vụ thí sinh dự thi và quan khách. Chưa hết, ông còn cho xây nhà hàng gần 1 nghìn chỗ ngồi và sân khấu lớn 5 nghìn chỗ ngồi; khu mua sắm, triển lãm, spa... Trong không khí rầm rộ như thế thì bất ngờ có thông tin Khánh Hòa là nơi đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010”.
Sau khi thông tin trên được công bố, hàng nghìn người dân Thới Sơn lúc này mới “té ngửa” và nhiều đại gia như từ trên trời rớt xuống đất! Sau đó bà con còn sốc hơn khi báo chí thông tin nhiều hạng mục công trình của ông Hoàng Kiều tại Khu du lịch Thới Sơn đang xây dựng nhưng không có giấy phép. Anh Nguyễn Công Trực (ấp Thới Thuận) nói: “Lúc này, ông Hoàng Kiều tuyên bố bỏ luôn 12 tỷ đồng đặt cọc và trả đất cho ông Nguyễn Văn Tư…”.
Tiếp chúng tôi bên bến đò chiều, bà Nguyễn Thị Hai, nhà đối diện dự án khu du lịch trên buồn giọng: “Trước khi ông Hoàng Kiều về đây, bến thuyền chèo này ngày nào cũng có khách, mỗi ngày thuyền chèo cũng được 4 -5 lượt đưa khách du ngoạn trên kênh, rạch, thu nhập ổn định. Nay thuyền chèo chỉ còn 20 chiếc (giảm đi 40 chiếc), vậy mà có ngày có thuyền không có lượt khách nào. Có lúc 3-4 ngày liền, không có người khách vào đi thuyền chèo, nhiều người khác “khô môi” nhưng phải nằm chờ, sợ mất khách…”.
Khổ vì ông Hoàng Kiều…
Một cán bộ xã Thới Sơn cho biết, trước khi ông Hoàng Kiều về Thới Sơn, người dân ở đây vẫn sống khỏe với nghề làm du lịch. Vùng đất này được phù sa bồi đắp, quanh năm trái ngọt cây lành, hệ thống kênh rạch chằng chịt len lỏi vào từng nhà, người dân lại cực kỳ mến khách nên là một lợi thế lớn cho du lịch sông nước. “Cù lao có gần 2 nghìn lao động tại địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch như đưa đò chèo, đò máy, buôn bán hàng lưu niệm, ẩm thực… Nhưng từ khi dự án ông Hoàng Kiều bày ra rồi bỏ dở cho đến nay thì bà con cũng “ngắc ngoải” theo!”, vị cán bộ này nói!
Theo quan sát của chúng tôi, dù điều kiện đi lại đã thuận tiện hơn rất nhiều, nhưng trên cù lao, nhất là khu vực ấp Thới Thuận hiện khá vắng khách du lịch, so với cái thời “lội bùn, qua cầu dừa” mà ông Hoàng Kiều đến rồi đi. Đi sâu vào bên trong dự án, chúng tôi nhận thấy những tấm biển dự án du lịch đã bạc màu, chung quanh đầy cỏ dại, như Khu thể thao dưới nước, Khu cắm trại dã ngoại... Nơi cách đây mấy năm trước ông Hoàng Kiều cho dựng pano chào đón các hoa hậu thế giới dọc theo tuyến đường độc đạo trên cù lao rất ấn tượng thì nay hoang tàn, vắng lặng!
Nhiều người dân trên cù lao tỏ ra tiếc cho những công trình từng nhộn nhịp một thời với hàng trăm công nhân, hàng loạt xe ben, ủi đất hoạt động ngày đêm trên các công trình đã được ông Hoàng Kiều cho khởi công xây dựng nhằm phục vụ cho cuộc thi hoa hậu nay im lìm vắng vẻ, buồn tênh..
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận