Chiều 21/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thủ đô.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa
Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo kêu oan của ông Chung, y án 8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì cho rằng tòa cấp sơ thẩm kết tội đối với bị cáo là đúng pháp luật, không oan.
Diễn biến bất ngờ xảy ra trong phần các luật sư tham gia bào chữa cho cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo đó, luật sư xuất trình một biên lai cho HĐXX, thể hiện vợ ông Nguyễn Đức Chung đã nộp thêm 15 tỉ đồng là tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Trao đổi trực tiếp với chị gái và vợ, gia đình ông Chung thống nhất vay mượn bạn bè, người thân để gom được số tiền 15 tỉ đồng. Bị cáo Chung đồng ý nộp 15 tỉ đồng này để khắc phục hậu quả vụ án.
HĐXX cũng hỏi ông Chung về số tiền 10 tỉ đồng đã nộp ở giai đoạn sơ thẩm. Bị cáo cho biết sau khi trao đổi với chị gái thì đồng ý nộp số tiền này.
Sau phần thông tin về việc nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, HĐXX tiếp tục cho ông Nguyễn Đức Chung tự bào chữa. Lúc này, cựu Chủ tịch Hà Nội thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu TP liên quan đến việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C, cũng như việc dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước tại Hà Nội bị dừng dang dở.
Như vậy, tính đến nay, gia đình cựu chủ tịch Hà Nội đã nộp tổng cộng 25 tỉ đồng, đúng bằng với con số mà tòa sơ thẩm tuyên bị cáo phải bồi thường trong vụ án.
Trước đó, tại phiên tòa chiều qua, 20/6, bị cáo Chung đề nghị tòa phúc thẩm xem xét về số tiền 10 tỉ đồng mà gia đình bị cáo đã nộp ở giai đoạn sơ thẩm. Bị cáo nói cần trao đổi trực tiếp với chị gái mình - người nộp tiền - để cân nhắc về việc có đồng ý nộp hay không.
HĐXX cho biết, chị gái ông Chung có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo đơn, bà cho biết số tiền 10 tỉ là do vay mượn để nộp với hi vọng giúp ông Chung có thể được giảm án, không bàn bạc với ông Chung. Trường hợp ông Chung bị kết tội, bà vẫn tự nguyện khắc phục số tiền nêu trên, không đề nghị trả lại.
Đặc biệt, sau phần thông tin về việc nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, HĐXX tiếp tục cho ông Nguyễn Đức Chung tự bào chữa.
Lúc này, cựu Chủ tịch Hà Nội thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu TP liên quan đến việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C, cũng như việc dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước tại Hà Nội bị dừng dang dở.
Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đồng thời, bị cáo phải bồi thường 25 tỉ đồng trong tổng số hơn 36 tỉ đồng được xác định là thiệt hại của vụ án.
Theo cáo buộc, nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị, từ năm 2009, UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan chỉ đạo công tác khắc phục ô nhiễm nguồn nước ao, hồ.
Tháng 5/2016, ông Chung với vai trò chủ tịch TP đã lựa chọn chế phẩm Redoxy-3C công nghệ mới thay thế công nghệ cũ, tổ chức đoàn sang Đức thăm công ty sản xuất chế phẩm Redoxy-3C. Sau đó, ông Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội - công ty của gia đình ông Chung) mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic.
Quá trình nhập, mua bán, thử nghiệm và sử dụng chế phẩm, các bị cáo có nhiều sai phạm, bỏ qua nhiều quy định, với động cơ vụ lợi, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Trên thực tế, từ khi Công ty Arktic được thành lập, con trai ông Chung đã đứng tên 40% cổ phần. Quá trình hoạt động, công ty nhiều lần có sự thay đổi thành viên góp vốn nhưng thực chất việc chuyển nhượng qua lại vốn góp đều do vợ ông Chung chỉ đạo thực hiện, nhờ người đứng tên hộ.
Việc phát sinh khâu trung gian mua bán lòng vòng theo chỉ đạo của ông Chung gây thiệt hại ngân sách TP số tiền hơn 36 tỉ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận