TP. HCM và Hà Nội chính thức tuyên bố các cá nhân hoạt động kinh doanh online có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm có nghĩa vụ đăng ký, khai nộp thuế, làn sóng dư luận bỗng trỗi dậy. Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), trong năm 2015, doanh thu từ hoạt động kinh doanh online đã vượt lên hơn 4 tỷ USD/năm (tương đương gần 100 nghìn tỷ đồng), gấp đôi so với năm 2013. Facebook cũng đã đưa ra dự báo, trong năm 2017, Việt Nam sẽ có khoảng 100 triệu phú USD từ việc kinh doanh trên mạng xã hội. Theo tính toán của các chuyên gia, trong vòng 5 năm tới, với tỷ lệ người dân tiếp cận Internet cao cùng với lượng người sử dụng smartphone tăng nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử sẽ có thể lên tới 30-50%/năm với tổng giá trị đạt khoảng 10 tỷ USD/năm. Điều này cũng có nghĩa nếu hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội không được đưa vào khuôn khổ, Nhà nước sẽ thất thu một nguồn thuế lớn.
Nghĩa vụ nộp thuế là của tất cả đối tượng kinh doanh và tất nhiên kinh doanh trên mạng xã hội cũng không nằm ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên, tại Việt Nam, từ lâu đã tồn tại quan điểm kinh doanh trên mạng xã hội chỉ là một hoạt động kiếm thêm không chính thức, nên việc phải nộp thuế là điều phi lý (!?) Thậm chí, nhiều người còn lập luận: Ngay cả hoạt động kinh doanh trong đời thực, Nhà nước còn chưa thu được hết thuế của những doanh nghiệp lớn, cớ gì kinh doanh “ảo” phải nộp? Dựa vào cơ sở nào để xác minh chủ website hay Facebook kinh doanh hoặc kiểm soát doanh thu của họ? Còn nếu quản lý theo tên miền chỉ sau khoảng 3 phút bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, chủ kinh doanh sẽ lập tức mở một tài khoản mới. Tương tự nếu quản lý theo tài khoản thì 91% người mua hàng online tại Việt Nam đang thanh toán bằng tiền mặt; bên bán hàng cũng không xuất hóa đơn...vậy cơ sở đâu để chứng minh?
Rất nhiều, rất nhiều lý lẽ biện minh được đưa ra trong làn sóng phản đối thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội. Trước những chiêu thức này, cơ quan quản lý cũng đã tung ra hàng loạt biện pháp nghiệp vụ để đối phó. Cụ thể, cơ quan thuế cho biết sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua Facebook. Đồng thời, yêu cầu đơn vị cung ứng vận chuyển cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển, doanh thu thu hộ (nếu có) của từng tổ chức, cá nhân để cơ quan thuế rà soát đối chiếu, từ đó thu thuế.
Đặc biệt, sẽ không loại trừ khả năng cán bộ thuế sẽ nhập vai người mua hàng tiếp cận và xử lý người bán hàng qua Facebook mà không thực hiện đăng ký kinh doanh, kê khai, đóng thuế...
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, người kinh doanh trên mạng xã hội không sớm thì muộn sẽ lộ diên và bị xử lý nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ kê khai thuế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tất cả những biện pháp nghiệp vụ suy cho cùng cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, vẫn cần một cơ chế minh bạch đi kèm với ý thức tự giác của người kinh doanh nói chung và kinh doanh online nói riêng. Một khi “văn hóa kinh doanh” chưa được hình thành, những chiêu trò đối phó, luồn lách qua các hàng rào pháp lý vẫn sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận